Về nơi ra đời Trung đoàn Tu Vũ Anh hùng

09:25, 16/07/2009

Trong lịch sử truyền thống của quân đội ta từ khi ra đời đến nay, hiếm có một địa danh lịch sử cấp Trung đoàn được xây dựng thành Khu lưu niệm truyền thống và được công nhận Di tích lịch sử. Phải chăng trường hợp Trung đoàn 88 mang tên Tu Vũ là một trường hợp hiếm có như vậy.

 

Nơi phát tích của Trung đoàn đã được Tổng cục Chính trị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và tỉnh Thái Nguyên đồng ý cho dựng Đài kỷ niệm - Nhà bia ghi tên tất cả các thế hệ liệt sĩ đã biết tên của Trung đoàn 88 -  Tu Vũ Anh hùng. Để có được vinh danh này, bản thân sự kiện và nhân chứng của lịch sử phải tự chói sáng. Tu Vũ - địa danh nơi 60 trước, Trung đoàn 88 đã lập công vang dội mở màn cho chiến dịch Hòa Bình  đã vinh dự được Bác Hồ đặt tên Tu Vũ từ năm 1952.

 

60 năm chặng đường oanh liệt

 

Năm 1949, thế và lực của cách mạng nước ta có những bước phát triển mới. Vì vậy Trung ương Đảng và quân đội ta chủ trương gấp rút thành lập các binh đoàn chủ lực. Ngày 01/7/1949 tại xóm Gò Pháo xã Tân Cương (nay thuộc thành phố Thái Nguyên), Trung đoàn 88 được thành lập, với ba Tiểu đoàn chủ lực từ nhiều nơi điều động về. Sau tháng 8/1949, Trung đoàn 88 trực thuộc Đại đoàn 308 - Đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Đoàn Tu Vũ đã trải qua 10 chiến dịch lớn, nhất là chiến dịch Hòa Bình và Điện Biên Phủ lịch sử, do lập được chiến công đặc biệt xuất sắc, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

 

Từ Sư đoàn 308, ngày 31/05/1965, được trên điều động Trung đoàn đã vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu với phiên hiệu Trung Đoàn 88A. Trong những năm chiến trường Trung đoàn 88A đã từng chạm trán với hầu hết các đơn vị thiện chiến của Mỹ như: Sư đoàn số 01, số 04, Sư đoàn 101 (Anh cả đỏ), Sư đoàn 25 (Tia chớp nhiệt đới)... Liên tục 10 năm trên chiến trường Miền Nam, Trung đoàn đã có mặt khắp các mặt trận từ Trị Thiên đến Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong chiến dịch Đại thắng mùa Xuân 1975, Trung đoàn tham gia giải phóng từ phía Tân Trụ, Cần Giuộc (Long An) rồi đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy... tham gia lực lượng Quân quản tiếp quản thành phố Sài Gòn. Sau năm 1975, Trung đoàn được Đảng, Nhà nước giao làm nhiệm vụ Quốc tế tại Campuchia. Năm 1989 sau khi từ nước bạn về nước, Trung đoàn sáp nhập vào Sư đoàn 302 Quân khu 7.

 

Ở miền Bắc, sau khi Trung đoàn 88A đi Nam, tiếp tục thành lập Trung đoàn 88B thuộc Sư đoàn 308 với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN và tham gia "ăn cơm Bắc đánh giặc Nam". Trung đoàn 88B đã liên tục tham gia ba chiến dịch lớn: Khe Sanh (Quảng Trị - 1968); Đường Chín - Nam Lào (năm 1971); Chiến dịch giải phóng và bảo vệ Quảng Trị năm (1972). Trong bất cứ hoàn cảnh nào Trung đoàn 88B cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đáng phấn khởi là từ đó đến nay ở cả hai miền Nam - Bắc, Trung đoàn 88 thuộc Sư 308 và Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 302 đều lấy phiên hiệu Tu Vũ và cùng lấy ngày 01/07 là ngày truyền thống của đơn vị. 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với chiến công đặc biệt xuất sắc, cả ba thời kỳ: Chống pháp, chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, ba lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Từ Trung đoàn 88 Tu Vũ Anh hùng đã có hơn mười cán bộ, chiến sĩ trở thành tướng lĩnh của quân đội ta.

 

Thắp lửa truyền thống Anh hùng

 

Sau những năm tháng đánh giặc cứu nước trở về những cựu chiến binh - bộ đội cụ Hồ ấy có dịp ôn lại những chặng đường hy sinh gian khổ đã qua. Từ sâu thẳm trong tim và họ không bao giờ quên 6.000 đồng đội đã hy sinh trên chiến trường ba nước Đông Dương để đất nước được hòa bình.

 

Vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Trung đoàn tháng 07/2004, các cựu chiến binh Trung đoàn 88 - Tu Vũ đã đề xuất dựng Khu lưu niệm truyền thống tại xóm Gò Pháo xã Tân Cương. Được các cấp đồng ý, một cuộc vận động xã hội hóa được phát động, chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn thành giai đoạn I: Nơi phát tích ra đời Đoàn Tu Vũ có khuôn viên rộng 1.600m2. Từ thành quả bước đầu, ngày 14/02/2009 giai đoạn II đã được khởi công: Xây dựng tại Khu lưu niệm Đền thờ. Đây sẽ là "Mái nhà chung của các thế hệ E88 và là nơi hội tụ những linh hồn anh hùng liệt sĩ của E". Theo thiết kế và dự toán của toàn bộ hai giai đoạn là gần 1,7 tỷ. Theo bác Đỗ Hạp - Trưởng ban liên lạc công trình vừa thi công vừa vận động quyên góp và dự định sẽ được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trung đoàn và 62 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.

 

Có mặt tại công trường trong một ngày đầu tháng 7, tôi thực sự rất phấn khởi vì thấy công trình đang được khẩn trương hoàn thiện. Toàn bộ cầu đá qua hồ  sen đã được lắp đặt xong. Công trình chính gồm Đền tưởng niệm và 2 nhà bia đã hoàn thành; 16 tấm bia đá khắc đủ 4.800 liệt sĩ đã được gắn vào nhà bia... Tiếp tôi cựu chiến binh - Kỹ sư Lê Trọng Quyển năm nay đã 79 tuổi - người trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công cùng Đại úy - Đại đội trưởng công binh Trung đoàn 88 Sư 308 Luyện Văn Ninh người được đơn vị giao nhiệm vụ giám sát công trình cho chúng tôi biết công trình sẽ hoàn thành vào đúng ngày 23 tháng 7 năm 2009 này.

 

Cây lộc vừng do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trồng cạnh cột đuốc tháng 5/2009 khi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Cương đang trở lại xanh tốt, tôi cứ nghĩ chỉ còn ít ngày nữa thôi, một công trình ân nghĩa, bề thế được đưa vào sử dụng và được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Gần đó là trường mầm non và trường tiểu học Tân Cương đều được công nhận trường chuẩn quốc gia. Công trình không những chỉ là nơi ghi danh các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Từ nơi này, hàng năm các cựu chiến binh Tu Vũ và đặc biệt là thân nhân các gia đình liệt sĩ không có điều kiện đến các nghĩa trang trên toàn quốc để thăm viếng mộ chí, thì đến đây được nhìn thấy tên người thân yêu của mình tạc trên bia đá, thắp một nén nhang cũng thấy được ấm lòng. Và với tôi, một cựu chiến binh đã qua thời máu lửa, thì trang viết này thay cho một nén nhang để tri ân những đồng đội của tôi. Xin chép lại hai cặp câu đối do Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu đề tặng Trung đoàn Tu Vũ được đặt tại đền thờ để làm lời kết cho bài viết:

 

"Cứu nước diệt thù, vang dội sơn hà danh Tám Tám

Đội trời đạp đất, tung hoành Nam - Bắc thế song song".

"Ba lượt anh hùng, sáng rực tinh thần trong sử sách

Sáu ngàn liệt sĩ, vươn cao linh khí giữa trời mây."