Chủ động phòng chống khi bão số 10 đổ bộ vào bờ, một số tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều biện pháp phòng tránh thiên tai.
Sáng 13/10, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương đã họp chỉ đạo các địa phương phòng chống cơn bão số 10. Dự báo của Trung tâm khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết: tối và đêm nay (13/10) bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền với cường độ cấp 8, giật cấp 9 cấp 10. Những địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất là khu vực
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Ban chỉ đạo đánh giá tình hình trên biển vẫn còn rất nguy hiểm, nên phải thực hiện nghiêm lệnh cấm tàu thuyền, những tàu thuyền chưa vào chỗ neo đậu phải bằng mọi cách để kêu gọi đôn đốc vào bờ. Đặc biệt, khu vực tàu thuyền du lịch Quảng Ninh phải vào bờ ngay. Cần sơ tán ngay dân ở những vùng trũng nuôi trồng thuỷ sản của các tỉnh như Ninh Bình, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… Một số công trình trọng điểm trên tuyến đê biển cũng phải lưu ý sẵn sàng làm ngay khi xảy ra tình huống. Đồng thời miền núi các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An cần có phương án di dân, đề phòng khả năng lũ quét xảy ra
Cho đến sáng sớm 13/10, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản kêu gọi hết tàu thuyền vào bờ đồng thời tiếp tục thông báo diễn biến, đường đi của bão số 10 giúp tàu thuyền đánh bắt xa bờ thoát khỏi vùng nguy hiểm….
Ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Chúng tôi đã có Công điện gửi các địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, không nghỉ qua đêm ở Vịnh Hạ Long. Tại một số đảo, bộ đội biên phòng tiếp tục kêu gọi và bắn pháo hiệu thông báo cho tàu thuyền. Đối với Quảng Ninh, do xoáy trộn không khí giữa gió mùa với bão có thể gây hiện tượng giông lốc ở Vịnh”.
Ngoài chủ động phòng chống ngập úng gần 5.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch ở một số huyện như: Tĩnh Gia, Lang Chánh, Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá rà soát phương án sơ tán dân khỏi vùng trũng, thấp, vùng thường xuyên bị ngập lũ, ven sông, suối khi bão số 10 đổ bộ vào bờ kèm theo mưa lớn kéo dài. Tỉnh Thanh Hoá cũng chú trọng kiểm soát việc đi lại của người dân trên sông, qua các ngầm, các vùng có nước chảy qua đề phòng tai nạn gây thiệt hại về người khi có lũ lớn.
Ông Đỗ Vương Lộc, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá cho biết: Những vùng này khi có lũ sẽ bị chia cắt, đường giao thông bị sạt lở. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phòng chống bão: thông báo tin bão, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng di dời dân và hướng dân cho dân tránh qua lại những chỗ nguy hiểm.
Còn tại tỉnh Nghệ An, hơn 25.000 ha ngô và 2.500 ha lạc vụ đông có nguy cơ mất trắng nếu mưa kèm theo gió lớn cấp 5 và cấp 6. Điều lo ngại nhất hiện nay đối với tỉnh Hà Tĩnh là bão số 10 có thể gây mưa vừa đến mưa to trên địa bàn. Vì vậy việc tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi đang được khẩn trương tiến hành. Tỉnh cũng huy động các lực lượng thường xuyên theo dõi mực nước tại các hồ đập sẵn sàng di dời dân khi cần thiết.
Theo dự báo, chiều nay, bão số 10 còn cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh – Hà Tĩnh khoảng 70 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thuỷ triều cao từ 3-4m. Phía Đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Tại TP Hải Phòng, tính đến 16 giờ ngày 12/10, Hải Phòng đã thông báo, hướng dẫn đưa 3.894 tàu thuyền và 575 lồng bè, với gần 10.000 lao động đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu, trú ẩn an toàn; 47 tàu thuyền đánh bắt ven bờ đang về bến để tránh cơn bão số 10 đang đến gần.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã ra công điện khẩn yêu cầu quận, huyện và các ngành triển khai các biện pháp cấp bách để đối phó với cơn bão số 10 đang đến gần như: Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh và về nơi neo đậu an toàn, thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; Chủ động thực hiện phương án phòng chống úng, tổ chức thu hoạch sớm để bảo vệ lúa và hoa màu; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; Tổ chức trực ban 24/24 h và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống.
Ngoài ra, các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố đã sẵn sàng phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện gồm có: hơn 4,3 vạn người thuộc lực lượng xung kích hộ đê, PCLB và TKCN, 35 xe ôtô tải, 28 tàu và xuồng cao tốc cùng với phao cứu sinh, bạt chống sóng, vật tư phục vụ chống bão gồm cát, đá, bao tải, rọ thép...