Có thể để người dân tự chữa H1N1 tại nhà

08:55, 29/10/2009

"Các bệnh viện đều quá tải bệnh nhân H1N1, trong khi 80% số người mắc bệnh này không cần nhập viện", tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia lý giải cho đề xuất để người dân chữa H1N1 tại nhà.  

 

Trong buổi họp giao ban chiều qua, ông Nguyễn Văn Kính cho biết, hầu hết bệnh nhân H1N1 đều mong được điều trị ngoại trú. Và thực tế, đa số họ không cần nhập viện mà có thể điều trị tại gia đình bằng thuốc đặc trị. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ những trường hợp nhập viện mới được cấp thuốc Tamiflu, và loại thuốc này cũng không được bán ngoài thị trường nên người dân không thể mua được.

 

Trong khi đó, theo tiểu ban điều trị cúm H1N1 của Bộ Y tế, hầu hết các bệnh viện đều quá tải số bệnh nhân mắc cúm này. Một số bệnh viện như Viện các bệnh nhiệt đới và lâm sàng quốc gia, Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội phải dồn nhiều khoa khác lại để lấy chỗ cho bệnh nhân cúm nằm mà vẫn không xuể.

 

Bên cạnh đó, ngay cả hình thức bệnh viện dã chiến nếu có tổ chức thì cũng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, không thể kéo dài mãi được.

 

Vì vậy, theo ông Kính, nên đưa Tamiflu đến tận cấp xã, phường, để người dân có thể tự điều trị H1N1 tại nhà, có sự giám sát của các nhân viên y tế.

 

Cũng chung đề xuất này với ông Kính, bà Nguyễn Hồng Hạnh, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho rằng nên thiết lập đội điều trị nhanh (như đội giám sát cúm) để chữa cho các ca cúm tại nhà. Cách này vừa giảm tải cho các bệnh viện vừa giảm tỉ lệ nhiễm chéo với các ca đến khám.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, cần phải hết sức thận trọng trong việc để người dân tự điều trị H1N1 bằng Tamiflu. Ông Huấn cho biết, hiện nay, trên thế giới chưa có nước nào phát thuốc này rộng rãi và cho người dân tự trị bệnh tại nhà bởi người ta lo ngại nhất là tình trạng kháng thuốc. Và thực tế, đã có 13-14 nước có hiện tượng kháng thuốc. Tổ chức Y tế thế giới cũng không khuyến cáo đưa thuốc này ra cộng đồng.

 

"Nếu phát thuốc cho cộng đồng thì không ai có thể kiểm soát được việc người dân sử dụng thuốc thế nào, liệu họ uống có đúng chỉ định, đúng liều hay không và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc. Như vậy là chúng ta sẽ không còn vũ khí để chữa bệnh nữa", ông Huấn nói.

 

Thứ trưởng yêu cầu các chuyên gia cần họp lại để cân nhắc vấn đề này và sớm đưa ra quyết định làm sao vừa điều trị kịp thời cho người dân, giảm được tỉ lệ tử vong do H1N1 vừa không xảy ra tình trạng kháng thuốc.

 

Ông cũng nhấn mạnh, hiện nay, khi bệnh đang lây lan rộng, người dân khi nhiễm cúm cần nghĩ ngay là bị H1N1 để điều trị sớm.