Hiện nay, một cơn bão mạnh đang hoạt động trên vùng biển ngoài khơi phía Đông Philippines, đây là cơn bão thứ 21 ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2009 và có tên quốc tế là Mirinae.
Chiều 29/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn gửi công điện khẩn tới Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khách Hoà và khu vực Tây Nguyên; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hoá thể thao và du lịch, Tập đoàn dầu khí Việt Nam về việc có một cơn bão đang hoạt động vùng biển ngoài khơi phía Đông Philippines.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão Mirinae ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 130,6 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 980 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 13 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc, 124,7 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 350 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 13 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc, 120,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam đảo Lu-Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 km. Đến 13 giờ ngày 1/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc, 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm ngày 30/10 vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.
Đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh.
Để chủ động triển khai phòng tránh bão kịp thời, Ban chỉ đạo PCLBTW-UBQG TKCN yêu cầu Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành triển khai ngay các công việc sau:
Quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bằng mọi biện pháp thông báo và hướng dẫn cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm và tìm nơi tránh trú an toàn;
Đề phòng mưa lớn trong những ngày tới, chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ sẵn sàng phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ để chủ động đối phó với mưa lũ;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, chỉ đạo điều tiết các hồ chứa, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du;
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu;
Bố trí trực ban 24/24 giờ và thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.