Doanh nhân và những nỗi niềm

09:27, 12/10/2009

Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 2.000 doanh nghiệp, doanh nhân và lực lượng này đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TNĐT xin giới thiệu tâm sự của một số doanh nhân.

 

* Cần lắm những sự sẻ chia

 

(Ông Nguyễn Đình Ngoạt, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp)

 

Từ năm 2007 đến nay, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của giới doanh nghiệp, doanh nhân, thậm chí có doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản. Những lúc như thế, giới doanh nghiệp, doanh nhân cần lắm sự trợ giúp của các cấp, ngành liên quan và nhân dân. Với nhiệm vụ chính là sản xuất, tiếp nhận và cung ứng hàng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất của nông dân, Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp cũng đã phải chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế, tuy nhiên với sự trợ giúp kịp thời của các cấp, ngành và nhân dân, Công ty vẫn đảm bảo việc cung ứng hàng vật tư nông nghiệp cho nông dân, góp phần bình ổn giá các mặt hàng này trên thị trường và đem lại kết quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Công ty có 13 đơn vị thành viên, với trên 300 lao động; hằng năm Công ty luôn có mức tăng trưởng cao từ 20% đến 30%/năm; trong 6 tháng đầu năm 2009, Công ty đạt lợi nhuận trên 3,7 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động với mức trên 2 triệu đồng/người/tháng…

 

* Áp dụng đúng chính sách hỗ trợ đầu tư

 

(Ông Phí Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thuỷ điện hồ Núi Cốc)

 

Với ý thức khai thác triệt để giá trị các công trình đã được đầu tư và nguồn tài nguyên, Công ty TNHH một thành viên khai thác các công trình thuỷ lợi Thái Nguyên và Hội đập lớn Việt Nam đã trở thành 2 sáng lập viên thành lập Công ty cổ phần Thuỷ điện hồ Núi Cốc. Đây là công trình thuỷ điện đầu tiên được đầu tư xây dựng ở tỉnh  có công suất 2 Mkw, với giá trị đầu tư gần 30 tỷ đồng. Ngày 1/8/2009, dòng điện của Công ty chính thức hoà mạng điện lưới Quốc gia. Theo tính toán, mỗi năm công trình thuỷ điện này sẽ đạt doanh thu 6 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ đồng (trong đó có cả thuế và phí thuỷ lợi)… Đó là nguồn lợi lớn mà nhiều năm qua chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta còn khá nhiều công trình thuỷ lợi lớn có thể tận dụng, khai thác để xây dựng công trình thuỷ điện, như hồ Văn Lăng (Đồng Hỷ), Quán Chẽ (Võ Nhai)…

 

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các cấp, ngành cần áp dụng hiệu quả những chính sách ưu đãi đầu tư như về vấn đề thuế, thuỷ lợi phí, lãi suất vay vốn ngân hàng… đối với chủ đầu tư, đặc biệt với các dự án đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch bằng các công trình thuỷ điện.

 

 

* Khai thác hiệu quả các tiềm lực duy trì sản xuất kinh doanh ổn định

 

(Ông Trần Văn Khâm Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên)

 

Bước sang quý III/2009, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bắt đầu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch theo mô hình quản lý mới là công ty cổ phần nên tính chủ động, sáng tạo được phát huy. Cũng chính điều này đã giúp cho Công ty khai thác có hiệu quả các tiềm lực để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

 

Để hoàn thành kế hoạch năm 2009 và những năm tiếp theo, Công ty đã căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng quản trị, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), trong đó chú trọng: Chỉ đạo các đơn vị sản xuất mãn tải; xây dựng kế hoạch sản xuất, sửa chữa và đầu tư hợp lý, đáp ứng nhu cầu thép cán của khách hàng; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; linh hoạt trong công tác tiêu thụ, thông qua cơ chế bán hàng; điều chỉnh cơ chế quản lý đối với hệ thống các chi nhánh, cửa hàng tiêu thụ của Công ty nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị, phấn đấu đưa tỷ lệ tiêu thụ của hệ thống này đạt từ 55-60% tổng sản lượng tiêu thụ của Công ty… Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, đại diện các thế hệ của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, tôi xin cảm ơn các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở, cảm ơn các đối tác, bạn hàng đã giúp đỡ Công ty trong thời gian qua. Chúng tôi tin rằng với sự giúp đỡ trên cùng những biện pháp chỉ đạo phát triển SXKD quyết liệt của đơn vị, trong thời gian tới, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên sẽ vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển trong thời kỳ hội nhập…

 

* Hỗ trợ để khai thác các tiềm năng

 

 (Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vạn Tài)

 

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về tài nguyên, con người, vị trí địa lý… Tuy nhiên để đánh thức những tiềm năng đó trở thành nguồn lực của xã hội, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nhân trong sản xuất, kinh doanh thì rất cần các cấp, ngành tiếp tục có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư. Công ty chúng tôi chuyên sản xuất, chế biến chè an toàn, với các sản phẩm chính là trà Ô Long, Mật Hồng trà và trà xanh xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

 

Thị trường các nước đòi hỏi về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm trà rất khắt khe, vì thế trong nhiều năm qua, chúng tôi đã có nhiều đổi mới đáp ứng yêu cầu khách hàng. Các sản phẩm chè đã chiếm lĩnh được thị trường, thậm chí không đủ để xuất khẩu theo các đơn đặt hàng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi đang có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất còn thấp, nhiều đơn đặt hàng của bạn hàng nước ngoài có giá trị lớn mà chúng tôi phải huỷ bỏ vì không đáp ứng được sản lượng. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi chỉ có ước muốn được các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện để có thêm vùng nguyên liệu, vì hiện nay Công ty có gần 10ha chè chỉ đáp ứng được 50% sản lượng búp tươi cho chế biến.