Chương trình giảm nghèo ở Việt Nam đạt được thành tựu khá tốt, song kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao
Mục tiêu chung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 18,2% năm 2006 xuống 10-11% vào năm 2010, tức là giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2%/năm. Thực tế, tỷ lệ giảm nghèo đã vượt qua mục tiêu, với tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2008 ước tính chỉ hơn 13%. Như vậy trong giai đoạn 2006-2008, tỷ lệ giảm nghèo là 2,6%/năm.
Mục tiêu chung đến năm 2010 được coi là có thể đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về việc tăng nhanh của chỉ số giá tiêu dùng mới đây và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ có tác động nghiêm trọng đến thu nhập và phúc lợi của các gia đình, và những tác động này vẫn chưa được phản ánh trong các thống kê nghèo chính thức của Chính phủ.
Xây dựng chính sách từ nhu cầu thực tế của người dân và địa phương
Theo ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động TBXH), mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ nhằm tác động đến những đối tượng khó khăn nhất, chính sách phải đến được với người nghèo. Để đảm bảo thực hiện chương trình giảm nghèo có hiệu quả thì phải xác định được chính xác nhu cầu của người nghèo, và bản thân họ phải tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra. Thông qua đánh giá, Chính phủ thấy rằng, mặc dù chúng ta tập trung nhiều nguồn lực, đã có nhiều chính sách với người nghèo, nhưng kết quả giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, đặc biệt những vùng khó khăn nhất, mức độ giảm tỷ lệ nghèo đói lại thấp nhất.
Để xây dựng cơ chế chính sách xóa đói giảm nghèo, cần có khảo sát thực tế tại các huyện nghèo. Mỗi huyện nghèo có đặc thù khác nhau, có nhu cầu khác nhau, xuất phát điểm khác nhau. Chẳng hạn, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), trên 90% diện tích đất rừng phòng hộ, không được khai thác sản xuất. Đây lại là vùng chịu ảnh hưởng rất nhiều vào khí hậu. Mùa đông gia súc chết rét, trồng cây cũng chết, đất sản xuất rất ít. Cơ chế dành để giảm nghèo ở đây sẽ phải khác với nơi khác.
Ông Trịnh Quang Trinh, Giám đốc Sở Lao động TBXH tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đặt ra mục tiêu là giảm nghèo 2,5-3%/năm. Song, tháng 8/2008, Lào Cai hứng chịu một trận bão rất khốc liệt, gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn, ảnh hưởng lớn đến tốc độ giảm nghèo. Một số huyện nghèo như Bắc Hà, Sa Pa, tỷ lệ hộ nghèo còn tăng lên 1,2%, khiến cho tốc độ giảm nghèo của Lào Cai chững lại. Khi triển khai Chương trình 30a, Lào Cai chỉ đạo các địa phương cơ sở lấy ý kiến nhân dân, xác định nhu cầu đầu tư trên địa bàn về đường sá, trường học, nước ăn, chợ và các thiết chế văn hóa. Việc đầu tư các cơ sở để sản xuất thì dựa vào phương hướng phát triển của địa phương, tập quán canh tác để xác định nhu cầu.
Tương tự, với những huyện nghèo ở các địa bàn hay chịu thiên tai, bão lũ như các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên, sau mỗi đợt thiên tai, tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo tại tăng lên đáng kể. Các tuyến đường, trường học, hạ tầng cơ sở bị thiệt hại nặng nề. Việc đầu tư hỗ trợ các hộ nghèo, tái nghèo và cộng đồng dân cư lại phải chú ý đến những đặc thù này.
Cần giảm nghèo một cách bền vững và đi vào chất lượng
Mặc dù chương trình giảm nghèo ở Việt
Ông Đặng Kim Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng, chương trình giảm nghèo của chúng ta mới chỉ đạt về số lượng mà chưa đi vào chất lượng. Chương trình cũng cần đạt được yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, chăm sóc những điều kiện sống cơ bản như chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo.v.v…
Trả lời phỏng vấn của VOVNews, ông Ngô Trường Thi cho rằng, những kết quả chúng ta đã đạt được không đơn thuần là nhờ tác động của chính sách giảm nghèo, mà còn là từ thành tựu phát triển kinh tế- xã hội chung. Song cũng không thể phủ nhận rằng, chương trình giảm nghèo thời gian vừa qua đã góp phần rất đáng kể trong việc tác động đến những đối tượng, những vùng mà chính sách kinh tế xã hội chưa với tới được.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trường Thi, trong giai đoạn tiếp theo “cần quan tâm là chất lượng và tính bền vững trong thực hiện chương trình. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các ngành nhằm đảm bảo mục tiêu không chỉ giảm nghèo về số lượng, mà phải đạt được chất lượng và giảm nghèo một cách bền vững và hiệu quả”.
Theo đánh giá giữa kỳ của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, một khiếm khuyết của chương trình là thiếu chia sẻ thông tin. Chúng ta chưa triển khai tốt thông tin về những chính sách giảm nghèo đến với đối tượng thụ hưởng. Dẫn đến, không có sự phân biệt giữa các nhóm đối tượng khả năng tiếp cận thông tin. Hạn chế này đang được các nhà quản lý quan tâm và bổ sung chính sách vào giai đoạn tiếp theo, đó là chương trình truyền thông cho giảm nghèo.
Ông Ngô Trường Thi cho rằng: “Để hoạt động truyền thông thực sự hiệu quả, là một kênh thông tin 2 chiều, cần có phương thức, cách làm tốt hơn. Chúng tôi mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm giữa các kênh thông tin địa chúng và NGO để có hình thức hoạt động truyền thông tốt hơn”.