Những bốt điện thoại thẻ bị lãng quên…

11:18, 23/10/2009

Trên địa bàn Thái Nguyên hiện còn 30 bốt điện thoại công cộng (ĐTCC) còn sử dụng được. Nhưng hiện các trạm điện thoại này đang ở trong tình trạng “hai không”: không được sửa chữa thường xuyên và không có người sử dụng…

 

Hiện các bốt ĐTCC đã trở nên “lỗi thời”, không còn phù hợp với thực tế người sử dụng. Loại dịch vụ này đang khó khăn trong cuộc cạnh tranh với điện thoại di động đang rất phổ biến trên thị trường. Đơn giản người ta có thể nhanh chóng mua một chiếc thẻ cào di động để sử dụng mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó điện thoại thẻ thì sử dụng phức tạp hơn nhiều. Thẻ chỉ có bán ở các Đại lý bưu điện hay Bưu điện Trung tâm nên khi cần sử dụng người dân thấy rất phiền hà. Các bốt điện thoại thẻ Việt Nam được lắp đặt ở những khu đông dân cư như trường học, bệnh viện… Nhưng những bốt điện thoại đó đến nay hầu như không có người sử dụng. Các trạm bỏ không, gỉ sét và bụi bẩn, bị dán chằng chịt những tờ giấy quảng cáo gia sư hay các dịch vụ khác...

 

Cụ thể như hai bốt điện thoại trước cổng trường Đại học Sư Phạm, Đại học Thái Nguyên. Một chiếc điện thoại thẻ công cộng bên trái cổng trường được người bán nước gần đó tận dụng để mấy túi chè khô pha nước bán cho khách. Bên cạnh đó còn đặt một viên gạch và túi cát. Rõ ràng đã từ lâu không có ai sử dụng, cũng như quản lý và sửa chữa các bốt điện thoại này. Theo chị Nguyễn Thị N. bán nước gần đó thì đã lâu lắm chưa có người đến gọi. Năm trước thì còn có người thưa thớt gọi nhưng năm nay thì hầu như không có ai đến nữa. Trạm điện thoại trở thành vật cản trên vỉa hè, khiến người đi bộ đi lại khó khăn.

 

Trao đổi với chúng tôi, sinh viên Phạm Thị Nhài, Lớp Toán K44, Trường Đại  học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Em mới học năm đầu nên không hề biết có điện thoại thẻ công cộng. Em được bố mẹ sắm cho một chiếc điện thoại di động rồi nên chắc không bao giờ nghĩ tới việc sử dụng dịch vụ đó”.

 

Trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng có một bốt điện thoại thẻ nhưng hiện nó đã bị phá vỡ hộp chỉ còn lại cột và máy điện thoại. Trên thành điện thoại đã bị han gỉ, bụi bẩn bám đầy. Ngay cổng trường Trung học Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin Miền núi, một bốt  ĐTCC cũng đang bỏ không. Sinh viên Nguyễn Công, Lớp DT2, Khoa Quản trị kinh doanh cho biết: “Em chưa bao giờ sử dụng điện thoại thẻ này. Năm ngoái em thấy vẫn có đông người gọi nhưng năm nay hầu như không ai nghĩ tới gọi điện thoại thẻ nữa”. Sinh viên Mai Trọng Luân cùng lớp với Công thì nói: “Em nghĩ điện thoại thẻ bây giờ không còn phù hợp nữa. Điện thoại di động bây giờ nhiều, giá cước cũng rẻ nên chẳng ai muốn dùng điện thoại thẻ công cộng vốn phức tạp”.

 

Chúng tôi đến đại lý Bưu điện của bà Chu Thị Chính, Tổ 8 phường Quang Trung, Thành phố Thái Nguyên. Bà cho biết đại lý của mình chưa bao giờ bán thẻ ĐTCC. Chồng bà cho biết thêm: "Giờ chúng tôi chỉ bán thẻ điện thoại di động. Ngay cả các buồng điện thoại bàn hiện tại cũng chẳng có ai đến gọi, tôi đang tính phải dỡ đi". Một nhân viên bưu điện Mỏ Bạch khi được hỏi dạo này có bán thẻ điện thoại công cộng không cho biết: "Chúng tôi vẫn bán, mệnh giá thấp nhất là 30 nghìn đồng. Nhưng cả tháng có khi chẳng bán được một cái thẻ!"

 

Chúng tôi đã gặp và có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viễn thông Thái Nguyên. Trước tình trạng này ông cho biết: "Viễn thông Thái Nguyên chịu trách nhiệm quản lý và khai thác các trạm ĐTCC. Khi mới đưa vào sử dụng thì nó mang lại hiệu quả cao bởi nhu cầu của người dân lúc đó là rất lớn, nhất là lực lượng sinh viên ở các trường Đại học, Cao đẳng. Song một vài năm gần đây, nhu cầu của người dân không còn lớn nữa. Hơn nữa, do ý thức của người dân chưa tốt nên các trạm điện thoại thẻ bị phá hoại dẫn tới hỏng hóc nhiều. Mỗi lần thay thế mất hàng triệu đồng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại tái diễn tình trạng này khiến ngành Viễn thông cũng rất khó xử lý".

 

Khi được hỏi hướng kinh doanh và phát triển hệ thống này của Viễn thông Thái Nguyên trong thời gian tới như thế nào, ông Tuấn tỏ ra băn khoăn: "Hiện nay chiến lược của cả tập đoàn Viễn thông trên toàn quốc là không mở rộng hệ thống này. Để quản lý và khai thác tốt các trạm ĐTCC còn lại chúng tôi sẽ dồn ghép lại một số điểm tập trung đông dân cư để có thể khai thác nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên tránh tình trạng công sức bỏ ra một cách hoang phí không thu lợi, nếu một thời gian nữa không hiệu quả chúng tôi sẽ cho ngưng loại hình dịch vụ này".