Những điều cần biết về chăm sóc bà mẹ trước khi sinh

17:40, 26/10/2009

Chăm sóc trước khi sinh là những biện pháp được áp dụng để bảo đảm sự an toàn cho cả người mẹ và thai nhi (cũng như trẻ sơ sinh), mục đích là làm giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật ngay từ khi người phụ nữ còn mang thai, trong khi sinh và thời kỳ hậu sản (sau đẻ 42 ngày).

 

Quản lý thai nghén tốt trong khi mang thai cho đến khi chuyển dạ có tác động rất lớn đến sự an toàn của người mẹ, mỗi thai kỳ phải khám thai ít nhất là 3 lần, qua đó xác định sớm những nguy cơ, biến chứng có liên quan đến thai nghén, rối loạn huyết áp trong thời kỳ có thai, phù và tiền sản giật; sàng lọc và điều trị các bệnh dẫn đến thiếu máu như: sốt rét, nhiễm trùng qua đường tình dục… Bà mẹ cần được giáo dục sức khỏe, tư vấn về thai nghén, giải thích những biến chứng có thể xảy ra, nên đến khám và xử trí ở đâu để đảm bảo độ an toàn, giảm thiểu tối đa tác hại của những biến chứng đó. Quản lý thai là một việc làm khoa học, có ý nghĩa lớn đối với công tác chăm sóc trước đẻ, đòi hỏi người cán bộ y tế vừa phải có trình độ chuyên môn, vừa có phương pháp làm việc.

 

Có 4 công cụ chính để quản lý thai đó là: sổ khám thai; phiếu khám thai; bảng quản lý thai sản; hộp hẹn và phiếu hẹn khám thai. Sổ khám thai là công cụ cho biết tổng thể về số lượng và chất lượng khám thai, qua đó, người cán bộ y tế có thể quản lý tốt vấn đề sức khỏe của bà mẹ khi mang thai. Phiếu khám thai là một công cụ giúp chăm sóc trước đẻ, trong đẻ, sau đẻ và cả thời gian giữa 2 kỳ có thai, là phiếu theo dõi và phát hiện các nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Bảng quản lý thai sản được sử dụng tại các trạm y tế, có tác dụng cho biết số sinh trong tháng để có kế hoạch phục vụ, giúp đánh giá được khả năng quản lý thai, xem cơ sở có quản lý thai được sớm không, và giúp quản lý số đã sinh để thực hiện việc chăm sóc sức khỏe tại nhà và vận động KHHGĐ. Hộp hẹn và phiếu hẹn khám thai giúp kiểm tra xem người mẹ có đến đúng hẹn không. Có nhiều lần hẹn trong một thai kỳ: hẹn khám thai (3 lần), hẹn tiêm phòng uốn ván (2 mũi), hẹn cấp phát viên sắt (5 lần). Một thai phụ phải khám thai thường kỳ, ít nhất là ba lần trong suốt thời kỳ mang thai. Khám thai lần 1 được thực hiện trong 3 tháng đầu với mục đích là xác định có thai, phát hiện những bất thường và những biến chứng sớm như nôn nặng hoặc các bệnh lý gây chảy máu. Khám thai lần 2 vào ba tháng giữa để đánh giá sự phát triển của thai, phát hiện thai nghén có nguy cơ cao và tiêm phòng uốn ván. Khám thai lần 3 vào ba tháng cuối để phát hiện những biến chứng muộn, xác định khoảng thời gian sinh và nơi sinh an toàn.

 

Trong quá trình khám thai sẽ đăng ký quản lý thai nghén, tiêm phòng uốn ván, cho thai phụ uống bổ sung viên sắt và acid folic để chống thiếu máu. Giáo dục cho thai phụ về chế độ dinh dưỡng, lao động, nghỉ ngơi, vệ sinh thai nghén bao gồm cả vấn đề sinh hoạt tình dục. Dinh dưỡng tốt sẽ giúp cho bà mẹ có sức đề kháng chống lại bệnh tật, không bị thiếu máu khi có thai, con sinh ra sẽ không bị nhẹ cân, trí tuệ phát triển tốt. Thai phụ cần tăng khẩu phần ăn tăng lên 1/4 so với lúc chưa có thai: ăn tăng trong mỗi bữa, hoặc ăn nhiều bữa hơn. Tăng cường ăn các loại thức ăn giàu chất đạm, mỡ, đường v.v. 

 

Những phụ nữ làm công việc nặng nhọc hay độc hại, khi có thai cần được bố trí tạm thời chuyển sang một công việc khác trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ. Cần đảm bảo ngủ ít nhất một ngày là 8 giờ, thai phụ cũng nên được tư vấn để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sinh sắp tới, sắp sẵn những đồ dùng cần thiết, không nên đi xa trước lúc sinh, lựa chọn địa điểm sinh, nuôi con bằng sữa mẹ. Chăm sóc trước sinh là việc làm cần thiết để phát hiện những bất thường của thai nhi (thường được gọi là chẩn đoán trước sinh) để có thể loại bỏ những thai bất thường, nâng cao chất lượng trong sinh sản, giảm thiểu những trẻ sơ sinh bị dị tật.

 

Trong quá trình chăm sóc trước sinh cho bà mẹ, cán bộ y tế cơ sở phải phát hiện sớm những nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời vì phần lớn các biến chứng sản khoa là không thể xử trí ở tuyến cơ sở. Phải thực hiện chăm sóc trước sinh thật chu đáo mà cụ thể là đăng ký quản lý thai nghén, phát hiện những thai nghén có nguy cơ cao để điều trị kịp thời, xác định nơi sinh và chuyển tuyến. Cán bộ y tế cơ sở phải được đào tạo và đào tạo lại nhằm phục vụ mục tiêu là phát hiện sớm những nguy cơ dẫn đến tử vong mẹ, sự cần thiết phải đáp ứng kịp thời các dịch vụ KHHGĐ cho người sử dụng, chăm sóc trước sinh, trong và khi sinh. Mặt khác, bệnh viện huyện là cấp cơ sở để chuyển tuyến đầu tiên vì vậy yêu cầu là phải xử trí được những biến chứng sản khoa không quá phức tạp. Một biến chứng sản khoa nếu không được phát hiện hoặc phát hiện muộn ở tuyến cơ sở, chậm trễ chuyển đến một cơ sở chăm sóc thích hợp có thể phải trả giá không chỉ riêng tính mạng của thai nhi mà có khi phải trả giá bằng cả tính mạng của người mẹ.