Cao nguyên Đồng Văn được biết đến như là mảnh đất địa đầu tổ quốc với địa danh Cột cờ Lũng Cú nằm ở điểm cực bắc của dải đất hình chữ S thân thương. Mảnh đất thiêng liêng của dân tộc không những có giá trị về mặt địa lý mà còn ghi đậm dấu ấn về lịch sử dân tộc Việt Nam. Những ngày cuối thu, đoàn cán bộ, phóng viên báo Thái Nguyên đã có dịp về thăm mảnh đất này.
Chặng đường dài gần 170km từ thị xã Hà Giang đến cao nguyên đá Đồng Văn kỳ ảo hơn cả trong suy nghĩ của mỗi người chúng tôi. Mặc dù không gập ghềnh và lởm chởm đá, nhưng đó là con đường khúc khuỷu và đôi khi giày đặc mây mù. Những khúc cua tay áo nối tiếp nhau chạy men theo các triền núi đá cao sừng sững. Bên này đường là vách đá dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Càng đi, con đường càng trở nên đẹp hơn với khung cảnh thiên nhiên quá đỗi hùng vĩ. Chiếc ô tô của chúng tôi đi mỗi lúc mỗi lên cao, để lại sau lưng những dãy núi nối tiếp với những cao nguyên đá rộng lớn.
Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là mốc đỉnh đầu của tổ quốc được định vị bằng cột cờ bê tông cao vút trên đỉnh núi Rồng thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Cột cờ nằm ở độ cao gần 1,7nghìn mét so với mặt nước biển được xây dựng mới và hoàn thành vào cuối năm 2002. Phần thân cột cờ cao gần 20m mang hình dáng của cột cờ Hà Nội. Phần chân, bệ cột cờ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn như một biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng. Phía trên cùng của cán cờ cao 9m, lá cờ Việt Nam khổ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên mọi miền của đất nước quanh năm lộng gió trên cột cờ Lũng Cú, luôn mang một ý nghĩa thật thiêng liêng về chủ quyền dân tộc. Cả đoàn chúng tôi như lặng đi, ngắm lá cờ cuộn bay uy nghi như sự lý giải cho sức tồn tại mãnh liệt của dân tộc Việt
Có truyền thuyết rằng, ngày xưa có một con rồng đến ở trên ngọn núi thiêng thuộc vùng đất Lũng Cú ngày nay. Chính vì vậy, người dân địa phương cho rằng Lũng Cú cũng là cách đọc chệnh âm từ Long Cư có nghĩa là nơi ở của rồng. Người dân ở đấy rất tự hào xem truyền thuyết này là sự tích về vùng đất mà họ đang sinh sống. Núi thiêng rồng ở trong truyền thuyết chính là núi Rồng ngày nay - nơi có cột cờ cực Bắc Tổ quốc. Bên sườn phía tây của núi Rồng có hai ao nước tự nhiên. Hai ao nước nằm trên đỉnh núi cao chót vót nhưng không bao giờ cạn. Sự tích kể rằng, đây chính là hai con mắt của rồng thiêng năm xưa từng ở trên núi. Hai ao nước này không sâu nhưng quanh năm đầy nước và được người dân địa phương xem như hai cái giếng thiêng, dùng để chữa bệnh và cầu phúc. Đứng trên Cột cờ Lũng Cú, nhìn về phía cuối tầm mắt là bản Lô Lô và con sông Nho Quế uốn lượn phân chia ranh giới Việt - Trung. Dưới thung lũng chân núi, bản làng người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo... ấm áp khói chiều.
Hướng dẫn đoàn trên suốt chuyến đi là nhà báo Đặng Quang Vượng, Phó Tổng Biên tập báo Hà Giang - người đã có trên 30 năm gắn bó với mảnh đất địa đầu tổ quốc. Đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, cả đoàn chúng tôi được hòa mình vào câu chuyện truyền thuyết núi Rồng và những câu chuyện lịch sử từ thời Tây Sơn, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ do ông kể. Nhà báo Đặng Quang Vượng cho biết, hầu hết các vị nguyên thủ của nước ta đều đã đặt chân lên đỉnh núi Rồng như một sự khẳng định chủ quyền bất di bất dịch của Tổ quốc. Mỗi ngày, nơi đây đều đón nhiều đoàn khách đến để chiêm ngưỡng hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay nơi miền biên cương và ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của mảnh đất địa đầu tổ quốc. Đứng tại chân Cột cờ Lũng Cú, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên xúc động: “Những chuyến đi thực tế đem lại cho chúng tôi nhiều tác phẩm phục vụ độc giả nhưng chuyến đi này đặc biệt hơn bởi những người làm báo Thái Nguyên được củng cố thêm cho mình lòng tự hào dân tộc và tình yêu đất nước”
Ngay tại chân Cột cờ Lũng Cú chúng tôi tình cờ gặp Jemi - một thanh niên Quốc tịch Pháp. Jemi đã có 6 năm làm việc ở Việt
Chia tay với núi Rồng và Cột cờ Tổ quốc, đoàn chúng tôi đến với đồn biên phòng Lũng Cú nơi có những người lính đang canh giữ biên cương, tô thắm cho lá cờ Việt Nam. Lần đầu gặp gỡ nhưng giữa chúng tôi ai cũng như đã quen từ trước. Thượng Tá Nguyễn Văn Lý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú trực tiếp ra tận cửa xe đón những người làm báo từ Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên. Tiếp chúng tôi trong một hội trường nhỏ và rất ấm cúng, Thượng tá Nguyễn Văn Lý giới thiệu với đoàn về Đồn biên phòng Lũng Cú và những nhiệm vụ hết sức quan trọng mà các anh được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.
Thông qua những câu chuyện của anh, những người làm báo chúng tôi cũng mường tượng ra phần nào những gian khó mà các anh phải trải qua để giữ vững miền biên cương của tổ quốc. Thay mặt cả đoàn, đồng chí Đỗ Thị Thìn đã cảm ơn những tình cảm mà các anh đã dành cho đoàn đồng thời chúc các anh luôn vững chí, bền gan để hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Những món quà nhỏ bao gồm sách, báo và một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày cũng được đồng chí Đỗ Thị Thìn thay mặt cho cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên trao cho các cán bộ của Đồn Biên phòng Lũng Cú. Món quà tuy không lớn nhưng là sự gửi gắm tình cảm của những người làm báo Đảng nơi Chiến khu Việt Bắc với những người lính cụ Hồ trong thời đại mới canh giữ miền biên viễn xa xôi của tổ quốc. Chút thời gian ít ỏi của đoàn lưu lại Đồn Biên phòng Lũng Cú qua đi nhanh chóng nhưng chúng tôi không ai muốn nói lời chia tay. Khúc hát chân tình được cất lên thay cho lời chia tay cùng lời hẹn ước được gặp gỡ, giao lưu với các anh ngay tại Thủ đô gió ngàn.
Tạm biệt các anh, chúng tôi mang theo về tình cảm của những người lính biên phòng trên đỉnh Lũng Cú - nơi địa đầu cực Bắc, những con người đang ngày đêm gìn giữ cho lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, kiêu hãnh tung bay như một biểu tượng của chủ quyền dân tộc.