Xây dựng một nền hành chính trong sạch, lành mạnh

08:30, 28/10/2009

Sở Công Thương Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch. Trước khi hợp nhất, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại Du lịch đã xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án cải cách hành chính” với bốn nội dung. Việc thực hiện cải cách hành chính này bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, lành mạnh…

 Sở Công Thương Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công nghiệp và Sở Thương mại - Du lịch tại Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 31/3/2008 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh, bao gồm các lĩnh vực: cơ khí luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý thị trường; quản lý cạnh tranh; xúc tiến thương mại; kiểm soát độc quyền; chống bán phá giá; chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế; quản lý cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; các hoạt động khuyến công và các dịch vụ công khác thuộc phạm vi quản lý.

 

Trước khi hợp nhất, Sở Công nghiệp và Sở Thương mại Du lịch đã xây dựng và triển khai thực hiện “Đề án cải cách hành chính” với bốn nội dung: cải cách thủ tục; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công. Hai sở đã xây dựng đề án cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, rà soát và quy định 05 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thương mại, 05 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công nghiệp. Công bố công khai và giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở, rút ngắn thời gian theo quy định đối với từng loại thủ tục hành chính.

 

Phân công trong lãnh đạo Sở chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo từng vấn đề như: Công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác cải cách thể chế; công tác cải cách tài chính công; công tác quy trình hóa giải quyết các công việc, quy chế tiếp nhận giải quyết khiếu kiện của công dân. Đẩy mạnh công tác rà soát, sửa đổi các văn bản của ngành, nhằm cải cách thủ tục hành chính. Tiến hành xây dựng quy trình giải quyết công việc, bổ sung một số thủ tục hành chính mới đưa vào Đề án cải cách thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế của bộ phận “ tiếp nhận và trả kết quả”. Quy trình và các mẫu hồ sơ giải quyết công việc được niêm yết công khai. Lựa chọn bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ có phẩm chất tốt, đủ năng lực, làm nhiệm vụ giải quyết công việc tại bộ phận "tiếp nhận và trả kết quả".

 

Xây dựng Đề án Ứng dụng Thương mại điện tử và Đề án "áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 để tổ chức thực hiện vào đầu năm 2010, nhằm nâng cao chất lượng quản lý của ngành. Công khai bộ hồ sơ mẫu và quy trình giải quyết công việc của Sở Công Thương để niêm yết công khai tại Văn phòng “một cửa liên thông” của Tỉnh trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào Tỉnh.                        

Thực hiện Đề án 30 của tỉnh về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, Đảng bộ Sở Công Thương đã lãnh đạo đơn vị thống kê, bổ sung thêm 26 thủ tục hành chính. Tính đến 30/9/2009, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố bộ thủ tục hành chính gồm có 31 thủ tục, thuộc ba lĩnh vực: quản lý điện năng (05 thủ tục hành chính); lĩnh vực quản lý thương mại (17 thủ tục hành chính); lĩnh vực quản lý kỹ thuật an toàn và môi trường (19 thủ tục hành chính). Tính riêng 9 tháng đầu năm 2009, Sở Công Thương đã giải quyết được 263 bộ hồ sơ các loại, trong đó: thuộc lĩnh vực thương mại 221 hồ sơ; quản lý điện năng 13 hồ sơ; kỹ thuật an toàn và môi trường 29 hồ sơ. Tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy trình Đề án Cải cách hành chính. Thời gian giải quyết công việc được rút ngắn so với thời gian quy định cho từng loại giấy phép. Thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ công chức thừa hành nhiệm vụ tận tình, trách nhiệm, nghiêm túc, không gây phiền hà, sách nhiễu cho các tổ chức và cá nhân.

 

Để đảm bảo công khai, minh bạch, Sở Công Thương thông qua Báo Thái Nguyên, Đài PT - TH tỉnh, Bản tin kinh tế của ngành và trang Web của Sở Công Thương để thực hiện công tác tuyên truyền về một số lĩnh vực cải cách hành chính của ngành đến công chức, viên chức, lao động và công dân.

 

Trong lĩnh vực cải cách tài chính công, Sở Công Thương đã xây dựng và thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tài chính. Thông qua hội nghị công chức, viên chức hàng năm, các nội quy, quy chế và các quy định nội bộ được sửa đổi bổ sung và thông qua. Đặc biệt là quy chế công khai tài chính công, tất cả các khoản chỉ tiêu tài chính được công bố công khai theo Đề án Khoán chi trong cơ quan đơn vị.

Nhận thức đúng về tầm quan trọng của công cuộc cải cách hành chính là một trong những giải pháp chủ yếu để ngành Công Thương thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc phát triển của tỉnh. Cấp ủy  và lãnh đạo chuyên môn của Sở Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung của công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung vào công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần mình vào tiến trình xây dựng một nền hành chính trong sạch, lành mạnh và hiệu quả.