Đến 19 giờ ngày 5/11, ước tính có 107 người chết (Phú Yên- 72, Bình Định- 18, Khánh Hòa - 13, Gia Lai- 3, Ninh Thuận- 1), 15 người mất tích (Phú Yên- 11) và 88 người bị thương (Phú Yên- 26, Bình Định- 31, Khánh Hòa- 9, Đắk Lắk- 18, Quảng Ngãi- 4).
Chiều 5/11, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã về thăm đồng bào tỉnh Bình Định vừa bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 11. Cùng đi với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5 và lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống cho nhân dân, không để dân bị đói, bị rét và bị khát.
Cho đến chiều nay, tuy trời đã hửng nắng nhưng ở Bình Định vẫn có mưa rải rác. Nước tuy đã rút nhưng mực nước nhiều con sông vẫn mấp mé bờ. Nhiều cánh đồng vẫn mênh mông nước. Từ trưa 2/11, ngay sau khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa to trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó mưa đặc biệt to ở lưu vực sông Hà Thanh gây ngập lụt lớn chưa từng xảy ra trong 40 năm qua ở các khu dân cư hai bên sông Hà Thanh thuộc các huyện Vân Canh, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Những mảnh rác, nilon ở lưng chừng các bụi tre ven 1 nhánh của sông Hà Thanh vào thôn Diêm Vân cho thấy mức độ ngập lụt nặng nề. Đến nay, do mưa lũ bất ngờ đã làm 18 người chết, 3 người mất tích, 15 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính lên đến 887 tỷ đồng.
Thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận- một trong nhiều địa điểm của tỉnh Bình Định đã bị cô lập 4 ngày. Để đi vào đây phải dùng xuồng và ca-nô. Xung quanh mênh mông là nước nhưng người dân ở đây mấy ngày rất thiếu nước sinh hoạt và nước uống. Do nước lụt bằng ca nô, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thay mặt Đảng, Chính phủ gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng bị thiệt hại nặng nề do bão số 11 ở tỉnh Bình Định lời thăm hỏi ân cần và sự chia sẻ sâu sắc. Đảng và Chính phủ đã có những biện pháp thiết thực hỗ trợ kịp thời cho các vùng bị nạn bằng tiền và lương thực cho các vùng bị nạn. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ: Đây chính là lúc các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền và đoàn thể phải phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu giúp nhân dân trong cơn hoạn nạn. Về những biện pháp trước mắt tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã tặng quà cho nhân dân thôn Diêm Tân. Tổng Bí thư cũng đã đi thăm khu công nghiệp Phú Tài- nơi cũng bị thiệt hại nặng nề do bão số 11 vừa qua. Tối nay, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh uỷ Bình Định.
** Trước đó, sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Đoàn công tác Chính phủ đã tới Bình Định chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 11 nhằm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất tại địa phương.
Bình Định là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của cơn bão số 11, đặc biệt lượng mưa hoàn lưu sau bão đã làm toàn bộ vùng đồng bằng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn của tỉnh ngập chìm trong nước từ 1-5m. Thống kê đến ngày 5/11, Bình Định có 13 người chết, 3 người mất tích, 15 người bị thương; gần 4.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng; 10.000 ha lúa, hoa màu bị hư hại, gần 2.000m đê kè bị trôi, sạt lở, 18 tàu thuyền bị chìm, vỡ… Tổng thiệt hại ước tính 887 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát và lãnh đạo tỉnh Bình Định đã xuống một số xã vùng thấp trong tỉnh kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt; thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lũ, đặc biệt là các gia đình có người bị thiệt mạng do lũ. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức nhân dân, nhất là thanh niên phát huy tinh thần tương thân, tương ái, ''lá lành đùm lá rách'' giúp đỡ những gia đình có người thiệt mạng, nhà bị sập, trôi, người già, trẻ em...
Tới thăm các Bệnh viện Lao và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng ân cần hỏi thăm, động viên tập thể y bác sỹ nỗ lực, khắc phục những khó khăn do thiên tai để chăm sóc người bệnh. Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh ưu tiên tối đa nguồn nhân lực, cung cấp điện, hỗ trợ cơ số thuốc, sớm khắc phục, ổn định trở lại hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học. Cùng ngày, Phó Thủ tướng đã tới Khu công nghiệp Phú Tài kiểm tra, động viên một số cơ sở sản xuất bị nước lũ ngập gây thiệt hại nặng. Phó Thủ tướng chỉ đạo chính quyền tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở cung cấp phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ bà con nông dân.
Làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là các lực lượng quân đội, công an, nhân dân tỉnh Bình Định đã rất nỗ lực thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Trung ương, chủ động cao trong công tác phòng chống, đặc biệt là việc kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, điều tiết lũ thượng nguồn, giúp nhân dân phòng, tránh bão. Tuy nhiên, cùng với các địa phương trong khu vực, thiệt hại mà tỉnh phải gánh chịu, đặc biệt về người là rất lớn. Trước thực tế biến động thời tiết rất bất thường theo quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, các thông số dự báo về thời tiết ngày càng khó lường. Vì vậy Bình Định cần nâng cao nhận thức, cảnh giác, chủ động và nỗ lực cao độ trong phòng chống các hiểm họa thiên tai.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thông báo ngày 4/11, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 225 tỷ đồng và 10.000 tấn gạo cho một số tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả cơn bão số 11, trong đó tỉnh Bình Định được hỗ trợ 70 tỷ đồng và 3.000 tấn gạo.
Phú Yên thiệt hại nhiều nhất về người và của
Đến hôm nay (5/11), khu vực Nam Trung bộ mưa giảm dần. Lũ các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục lên chậm. Dự báo đến sáng mai sẽ xuống chậm. Các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục xuống. Tình trạng ngập úng cục bộ ở vùng trũng, đồng bằng ven sông còn diễn ra ở các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên.
Đến nay, Quân chủng Phòng không không quân thực hiện 20 chuyến bay chở người bị nạn và chở hàng cứu trợ giúp nhân dân các tỉnh Bình Định và Phú Yên. Đến 16 giờ hôm nay (5/11), mưa lũ làm 98 người chết, 20 người mất tích, 66 người bị thương, trong đó Phú Yên là địa phương bị thiệt hại nặng nhất.
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có công văn yêu cầu Tổng cục dự trữ Nhà nước cấp bổ sung khẩn cấp 4 xuồng tìm kiếm cứu nạn cho 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên. Quân đội tiếp tục duy trì gần 6 nghìn 300 đồng chí và 138 phương tiện các loại giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong đó, Quân khu 5 huy động hơn 6 nghìn cán bộ, chiến sĩ và lực lượng bộ đội địa phương; Quân đoàn 3 điều động 259 cán bộ, chiến sĩ cơ động xuống Bình Định và Gia Lai giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ.
Theo Báo cáo nhanh của Bộ Y tế, đến ngày hôm nay, tỉnh Phú Yên có 72 người chết và 11 người mất tích, 10 bệnh viện bị hư hỏng do nước ngập, 50/112 trạm y tế bị ngập nước và hư hỏng. Tỉnh Bình Định có 18 người chết, 4 người mất tích, 26 người bị thương, 3 bệnh viện bị ngập nước, 8 trung tâm y tế bị hư hỏng, 21 trạm y tế bị nước cuốn trôi.
Hôm nay, Bộ Y tế cử đoàn công tác đến Bình Định và Phú Yên để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Trong đó cấp cho các tỉnh bị thiệt hại như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận... 140 cơ số thuốc, hơn 1,8 triệu viên Cloramin B, 200 chiếc áo phao và 1.000 lít hóa chất vệ sinh.
Bộ Y tế có công văn đề nghị Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương, đặc biệt là hóa chất phục vụ việc cung cấp nước sạch và xử lý môi trường sau lũ cho các địa phương. Tổ chức Y tế thế giới đã có kế hoạch hỗ trợ cho các tỉnh 950.000 viên Anquatabs, hóa chất diệt khuẩn để cung cấp nước sạch cho dân vùng lũ.
** Ngày 5/11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Gia Lai cho biết, cơn bão số 11 làm 4 người chết và một học sinh bị nước lũ cuốn trôi đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Khoảng 2.000 nhà dân bị ngập nước và tốc mái, trong đó khoảng 50 nhà bị sập và bị cuốn trôi hoàn toàn. Gần 5.000 ha lúa vụ 3 và 10 tấn thóc bị ngập nước và cuốn trôi. Hơn 1.500 ha cây trồng ngắn ngày như ngô, sắn, bông vải, thuốc lá bị gãy đổ; hàng ngàn gia súc, gia cầm mất trắng. Mạng lưới giao thông và thủy lợi, các công trình công cộng ở các huyện phía đông tỉnh Gia Lai bị hư hỏng nghiêm trọng.
Hiện nay, nước lũ chưa rút hết nên Gia Lai chưa thể thống kê đầy đủ con số thiệt hại.