Hơn 30 năm trước, người Mông đã di cư từ miền đất Hà Quảng (Cao Bằng) về khu núi đá quanh năm mây phủ ở xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) lập nên bản Lân Đăm. Cuộc sống nơi miền đất mới khó khăn nên nhiều hộ dân nơi đây đã hạ sơn, về bản Trung Sơn (Quang Sơn) xây dựng cuộc sống mới. Cuộc sống của những người hạ sơn đã đổi thay, còn cuộc sống của những người ở lại hôm nay liệu có khác xưa, hay vẫn quẩn quanh với đói nghèo, lạc hậu…?
Cảm nhận ngày trở lại
Một lần đến Lân Đăm đã khiến tôi nhớ mãi! Nhớ những cụ già đôn hậu ngồi tẽ ngô nơi bậc cửa, nhớ những đôi má hây hây hồng của lũ trẻ chơi cù nơi đầu bản… Chính điều đó đã thôi thúc tôi trở lại Lâm Đăm một lần nữa. Trong cái nắng trong vắt của trời thu, lòng tôi không khỏi bâng khuâng khi tìm bản người Mông nằm chon von nơi núi cao chỉ có đá và cây rừng - nơi tôi đã đặt chân đến cách đây gần 9 năm.
Ngày ấy, để đi vào Lân Đăm, tôi đã phải đi bộ mất gần 2 giờ đồng hồ. Ngược dốc lên được đến đầu bản, tôi mệt đến "bở hơi tai", mồ hôi ướt đầm dù lúc ấy đang là mùa đông. Còn hôm nay vào Lân Đăm, tôi không phải đi bộ nữa mà cho xe máy chạy chầm chậm theo con đường đã được rải cấp phối. Đường dù còn gập ghềnh nhưng không quá khó đi. Con dốc cao ở đầu bản cũng không còn cao dựng đứng đến tức ngực mà đã được hạ xuống thoai thoải, các loại xe máy đều có thể đi được vào tận sâu trong bản. Tôi ngạc nhiên khi thấy trên bãi đất trống ở đầu bản đã mọc lên một ngôi nhà xây cấp 4. Để vận chuyển được vật liệu vào đây xây ngôi nhà này chắc phải tốn rất nhiều công sức lắm vì tôi biết trong bản không thể tự đóng gạch và cát, xi măng… cũng phải vận chuyển từ trung tâm xã vào. Ngỡ là nhà của một hộ dân nên tôi dắt xe máy vào sân, thấy khóa cửa, tôi dựng xe ở đó và đi bộ vào các nhà dân ở sâu bên trong (tìm hiểu, mới biết đây là phân trường tiểu học và cũng là nơi để bà con hội họp vào những ngày lễ, Tết). Đi được một đoạn, tôi bắt gặp mấy đứa trẻ đang vui đùa ríu rít dưới tán cây keo xum xuê lá. Thấy người lạ, lũ trẻ quan sát tôi rất kỹ, rồi chúng quay sang nói chuyện với nhau bằng tiếng thổ ngữ. Tôi không hiểu chúng nói gì nhưng biết chúng đang bàn luận về tôi - người lạ mặt mới xuất hiện ở bản. Thấy lạ lắm bởi cách hơn 8 năm, khi tôi về Lân Đăm, lũ trẻ hồi đó thấy người lạ là chạy trốn chứ không dạn dĩ như mấy đứa trẻ tôi vừa bắt gặp.
Có lẽ, Lân Đăm hôm nay không còn bị cách biệt với bên ngoài nên từ những em bé đến các cụ già đã quen với sự xuất hiện của người lạ trong bản. Tôi vào nhà hộ dân đầu tiên, chủ nhà là anh Dương Văn Ló, 31 tuổi, có vợ là chị Đào Thị Lý, 28 tuổi. Thấy tôi bước vào nhà, chị vợ nhanh nhẹn đi lấy nước mời khách. Biết tôi là nhà báo họ vui lắm! Anh Ló bảo: Trước đây, các anh chị ở Báo Thái Nguyên đã mang gạo lên giúp đỡ bà con trong bản nên chị về đây là như về nhà rồi. Đón chén nước từ tay chị Lý, tôi hỏi: - Chị có hay xuống chợ chơi không? Chị cười: - Có chứ! Đi chợ phiên vui lắm, tha hồ mua vải, chỉ… về khâu váy áo. Nhìn 4 đứa trẻ lít nhít đang chơi với nhau ở góc nhà, tôi hỏi anh Ló: - Vợ chồng anh trẻ vậy mà đã có 4 con rồi à! Anh Ló phá lên cười và phân bua: - Chỉ có 2 đứa là con mình thôi (cháu lớn 7 tuổi, cháu nhỏ 4 tuổi), còn 2 đứa là con hàng xóm. Bây giờ lớp trẻ ở Lân Đăm không ai đẻ nhiều con nữa đâu, đẻ nhiều thì lấy gì mà nuôi. Bố mẹ mình vì đẻ nhiều, không có tiền cho các con đi học nên mình phải bỏ học từ năm lớp 3. Không có cái chữ, khổ lắm! Phải cho các con đi học bằng chúng, bằng bạn để sau này không phải khổ như mình. Trong bản có 4 cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con như vợ chồng mình.
Ngô lai về bản
Theo chân anh Dương Văn Ló đến nhà Trưởng xóm trẻ tuổi Lý Văn Ló, tôi còn bắt gặp những bãi ngô nếp xanh mướt. Cuộc sống cũng như cách nghĩ của bà con người Mông nơi đây đúng là đã khác trước nhiều lắm! Trưởng xóm Lý Văn Ló năm nay mới 26 tuổi ngồi nói chuyện với tôi rất vui vẻ. Anh cho biết: Người Mông Lân Đăm đã đưa giống ngô lai NK 4300 về trồng từ 4 năm trước. Bà con ở đây không tính năng suất ngô thu được theo sào, hay mẫu mà tính theo số lượng hạt giống trồng. Ví như gia đình anh Dương Văn Ló và chị Đào Thị Lý mỗi năm trồng 4kg ngô giống, thu 6 tạ ngô. Gia đình anh Lý Văn Sự và Chị Hoàng Thị Pằng mỗi năm trồng 10kg ngô giống, thu 1,5 đến 2 tấn ngô. Còn nhà mình mỗi năm trồng 10kg ngô giống và thu khoảng 1,5 đến 2 tấn ngô… Bà con chọn giống ngô lai NK 4300 vì nó chịu hạn tốt, phù hợp với miền núi đá quanh năm thiếu nước này. Hơn nữa, năng suất ngô cao hơn rất nhiều so với giống ngô của địa phương. Trước đây, phải mất 2, 3 yến ngô giống mới mong thu được 1 đến 1,5 tấn ngô. Năng suất ngô tăng cao đồng nghĩa với việc bà con bớt khó nghèo. Trước đây, mỗi gia đình thiếu ăn từ 4-6 tháng thì này chỉ thiếu ăn 1-2 tháng. Năm 2007, mưa thuận, gió hòa, cả bản không hộ nào thiếu ăn. Có ngô, đàn lợn cũng không lo bị đói. Nay, nhà nào trong bản cũng có từ 1 đến 3 con lợn. Ngoài ra, còn nuôi từ 1 đến 2 con trâu hoặc bò phục vụ sức kéo. Bên bếp lửa hồng, chị Lý Thị Dinh, hộ nghèo nhất xóm vừa nhanh tay đảo nồi cám lợn đang sôi xình xịch, vừa nói: 3 năm trở lại đây, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 5 triệu đồng, chị đã mua con bò cái về nuôi. Giờ nợ đã trả xong, bò của chị đã đẻ thêm 1 bê con. Có tiền trả nợ là nhờ nuôi lợn đấy!
Vui hơn nữa là 8/9 hộ trong bản đã mua được xe máy, trong đó có những chiếc xe máy nhãn hiệu Honda trị giá gần 20 triệu đồng. Trong bản, trẻ em đến tuổi đều được đi học. Hiện, bản có hơn 10 em đang học từ lớp 1 đến lớp 9, các em học lớp 1, 2, 3 thì học ngay ở phân trường ở đầu bản, từ lớp 4, các em mới phải xuống học ở trường trung tâm. Đặc biệt, bản đã có 1 em tốt nghiệp THCS.
Mong được … hạ sơn
Lân Đăm đã đổi thay, đời sống của bà con người Mông đã bớt khó, nhưng vẫn còn đó những hủ tục chưa được loại bỏ. Đó là việc chị em vẫn sinh đẻ tại nhà, chỉ có những ca nào quá khó mới chuyển ra Trạm Y tế xã nên không bảo đảm an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Thêm vào đó, bản chưa có điện nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con. Hiện tại, hầu hết các hộ dân ở Lân Đăm chưa có ti vi, đài cát-sét nên chưa được tiếp cận nhanh với các nguồn thông tin để nâng cao nhận thức và kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, nguồn nước phục vụ sinh hoạt của bà con cũng rất hiếm hoi. Theo chị Đào Thị Lý, một người dân trong xóm, phải mang theo can, đi bộ mất 15-20 phút mới tới được khe núi để gùi nước về phục vụ cho nấu nướng. Còn muốn tắm, rửa thì phải ra tận khe nước. Qua lời tâm sự của vị trưởng xóm trẻ tuổi, tôi hiểu, ở vùng núi cao này, no đói của gần 100 cư dân nơi đây phụ thuộc vào sự "rộng lượng" của ông trời. Năm nào mưa thuận, gió hòa, ngô - cây trồng duy nhất của bà con được mùa là năm ấy đời sống bà con bớt khổ. Những năm được mùa (như năm 2007), bà con mang ngô đi đổi lấy gạo ăn, những năm mất mùa, bà con lại phải ăn mèn mén. - Vị trưởng xóm bộc bạch.
Làm gì để cuộc sống bà con hết khổ, câu hỏi ấy đã đưa ra mấy chục năm nay nhưng câu trả lời thì vẫn dang dở… Để bà con ở Lân Đăm được dùng điện, nước sạch sinh hoạt, điều đó không đơn giản vì hộ dân ở đây ít trong khi đầu tư các công trình đường điện, nước sinh hoạt tự chảy cho bản cũng phải mất đến hàng tỷ đồng và số tiền ấy là quá sức với chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây. Ngồi bên khung cửa, tay tỉa ngô, mắt nhìn xa xăm, chị Hoàng Thị Pằng nói với những lời gan ruột: Chúng mình rất muốn hạ sơn, xây dựng cuộc sống mới. Mong Đảng, Nhà nước tìm cho bà con mình chỗ đất tiện đường đi lại để bọn trẻ đến trường không phải đi xa, chị em mình đi chợ cũng gần hơn. Biết là đất không còn nhiều nên chỉ mong Nhà nước tạo điều kiện cho chúng mình có đất ở, còn việc trồng trọt thì vẫn phải làm ở trong đây. Nương bãi đã phát rồi, bỏ không cũng tiếc lắm, mà Nhà nước chắc cũng không lo được đất đất cho bà con mình làm đâu, vì đất ở dưới thấp đều có chủ hết rồi mà! Mong muốn của chị Pằng cũng là mong muốn của tất cả các hộ dân nơi đây. Và tôi hy vọng mong ước đó của bà con sớm được chính quyền địa phương, các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết.