Các ngành chức năng đang vào cuộc tích cực để bình ổn thị trường

09:37, 16/12/2010

Gần hai tuần nay, giá một số mặt hàng, nhất là hàng lương thực, thực phẩm đã tăng khá nhanh. Để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng  không tăng quá cao từ nay đến tết Nguyên đán Tân Mão 2011, các ngành chức năng của tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm bình ổn thị trường.

 

Gần hai tuần nay, giá một số mặt hàng, nhất là hàng lương thực, thực phẩm đã tăng giá khá nhanh. Ví dụ: giá một can dầu Neptuyn loại 5 lít tăng từ 165 nghìn đồng lên 180 nghìn đồng; gạo bao thai tăng từ 12 nghìn đồng/1kg lên 14 nghìn đồng/kg; giá 1 kg thịt bò loại I tăng từ 120 nghìn đồng lên 145 nghìn đồng/kg; thịt lợn mông sấn tăng từ 65 nghìn đồng lên 75 nghìn đồng; trứng vịt loại to từ 2.800 đồng lên 3.300 đồng/quả; trứng gà ta từ 2.700 đồng lên 3 nghìn đồng/quả; rau muống từ 3 nghìn đồng lên 4 nghìn đồng /mớ... Đây là tình hình chung trên cả nước, không riêng gì thị trường Thái Nguyên. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, tình hình tăng giá là do tác động của giá lương thực Thế giới (ví dụ gạo tăng từ 30 đến 40 USD/tấn); tình hình dịch bệnh trên đàn lợn và ảnh hưởng của lũ lụt vừa qua.

 

Để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng  không tăng quá cao từ nay đến tết Nguyên đán Tân Mão 2011, các ngành chức năng của tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm bình ổn thị trường.

 

Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Công Thương, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), Công an tỉnh để kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp (DN), các quầy có bán hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán từ nay đến 30/3/2011. Theo kế hoạch kiểm tra, Đoàn liên ngành sẽ tập trung vào nhóm các mặt hàng như: các đơn vị kinh doanh xăng dầu; các cơ sở khám chữa bệnh, giá thuốc, giá trông giữ xe ô tô, xe máy; giá cước vận tải; giá các mặt hàng phục vụ bình ổn thị trường; các mặt hàng vật liệu xây dựng…

 

Hiện,  Đoàn công tác liên ngành đã kiểm tra được một số đơn vị như: Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Quyết Tiến, Công ty (CT) Xăng dầu Bắc Thái, DN xăng dầu Lê Vinh, CT trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Vũ Tần, Công ty cổ phần (CTCP) Sản xuất phân bón Thái Nguyên (TN)… Nhìn chung, các DN đều chấp hành nghiêm túc về niêm yết giá và các quy định về giá; chỉ vi phạm về hợp đồng đại lý theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, Đoàn công tác sẽ họp để thống nhất đề xuất hình thức xử lý vi phạm.

 

Bên cạnh đó, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trích từ nguồn dự trữ tài chính ngân sách tỉnh năm 2010 (theo chỉ đạo của Bộ Tài chính) để thực hiện tạm ứng vốn cho các DN với số tiền 18 tỷ đồng, không tính lãi, thời hạn hoàn trả ngân sách ngày 31/3/2011. Để thực hiện sử dụng vốn ứng có hiệu quả, đúng mục đích, Sở Tài chính đã yêu cầu các DN đăng ký danh sách các quầy hàng, điểm, kho bán lẻ, người bán hàng, các loại hàng hoá, giá bán, số lượng hàng hoá thiết yếu . Những quầy có bán mặt hàng đăng ký bình ổn giá dịp Tết phải có quảng cáo (băng rôn) có dòng chữ: “Quầy hàng có bán hàng thiết yếu bình ổn giá phục vụ Tết nguyên đán năm 2011”. Trong quầy hàng có niêm yết danh sách các mặt hàng, giá cả, số lượng hàng hoá thiết yếu đăng ký bình ổn, thời gian bán hàng bình ổn giá, đảm bảo dễ thấy để phục vụ công tác kiểm tra và giám sát của nhân dân. Đây là đợt thứ hai trong năm nay Đoàn liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra giá cả thị trường.

           

Đối với Sở Công thương đã rà soát và lựa chọn các DN có năng lực sản xuất, hệ thống cung ứng đề nghị UBND tỉnh được tạm ứng kinh phí để thực hiện bình ổn giá. Đến nay, đã có 8 DN  nhận được tiền tạm ứng (18 tỷ đồng) để khai thác hàng hoá phục vụ từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong đó, CTCP Lương thực 2 tỷ đồng; CT TNHH Dịch vụ và Thương mại Dũng Minh 2 tỷ đồng để dự trữ lương thực; các đơn vị sau được ứng kinh phí để dự trữ các mặt hàng kinh doanh tổng hợp gồm: CTCP Phát triển Thương mại TN 6 tỷ đồng; CTCP Muối iốt TN 2 tỷ đồng; CTCP Thương mại TN 2 tỷ đồng; DNTN Dung Quang 1 tỷ đồng; CT TNHH Quang Trung 2 tỷ đồng; CTCP Xuất nhập khẩu TN 1 tỷ đồng.

 

Trong tuần tới, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tập trung kiểm tra giá các mặt hàng bình ổn tỉnh đã cấp ngân sách tạm ứng tại các đơn vị trên.

 

Chi cục QLTT cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường từ nay đến 30/3/2011, chống các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đo lường chất lượng; chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Hiện nay, Đội liên ngành và các Đội QLTT các huyện, thị thành đã ra quân, tích cực triển khai công tác kiểm tra những nơi trọng tâm như: thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, nơi phát sinh và tập kết nguồn hàng; các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh, dịch vụ hàng hoá. Cá mặt hàng được tập trung kiểm tra gồm: xăng dầu, khí gas hoá lỏng, xi măng, sắt thép, thuốc tân dược, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, phân bón, thức ăn chăn nuôi; đồ điện gia dụng…

 

Với những biện pháp tích cực và sự vào cuộc của các ngành chức năng nên, mặc dù Thái Nguyên cũng chịu sự tác động của tình hình tăng giá song, chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức 8,39%, thấp hơn so với bình quân chung cả nước (9,58%). Tuy nhiên, người dân cũng không nên lo lắng nhiều trước tình hình tăng giá. Giải pháp tốt nhất đối với người tiêu dùng vẫn là thực hành tiết kiệm trong chi tiêu; các DN khắc phục khó khăn, giảm chi phí trong sản xuất và tiếp tục đưa ra các chương trình giảm giá khuyến mại góp phần vào các giải pháp bình ổn thị trường của Chính phủ; các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ để chống tăng giá và đầu cơ tích trữ hàng hoá.