Cần quan tâm duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sạch

11:47, 14/12/2010

Mấy năm gần đây, cứ vào mùa khô là người dân ở khu vực miền Tân Minh, xã Tân Thịnh (Định Hóa) lại thường trực nỗi lo thiếu nước sinh hoạt mặc dù đã được sử dụng nguồn nước sạch tập trung và sử dụng cả nguồn nước giếng khoan, giếng khơi.

 

Công trình nước sạch cụm dân cư Tân Minh được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2001, có tổng nguồn kinh phí là 781 triệu đồng, theo Chương trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Công trình hoàn thành đảm bảo lượng nước sinh hoạt cung cấp cho gần 200 hộ dân thuộc 5 xóm của xã Tân Thịnh là: Thâm Yên, Khau Lang, Bắc Cập, Hát Mấy và Kang Ngõa. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng lên trong khi nguồn cung cấp nước cho công trình hạn chế vào mùa khô dẫn đến không đủ lượng nước cho người dân địa phương sử dụng. Chị Phạm Thị Kim, ở xóm Khau Lang cho biết: Gia đình tôi đã sử dụng nguồn nước tự chảy được 4 năm, mỗi tháng hết khoảng 5m3 nước, tôi vẫn phải kết hợp với sử dụng nước giếng khơi bởi nguồn nước từ công trình này không đủ. Hiện hầu hết các gia đình ở xóm Khau Lang đều sử dụng 2 nguồn nước, tuy vậy vào mùa khô nguồn nước giếng cũng cạn kiệt nên gia đình nào cũng khó khăn về nước sinh hoạt.

 

Cũng do thiếu nước, từ tháng 10/2009, Trường Tiểu học Tân Thịnh phải chuyển từ sử dụng nước tự chảy sang nước giếng khoan. Cô giáo Ma Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Với lượng nước sử dụng từ 40-50m3/tháng, nguồn nước tự chảy không đủ đáp ứng, Nhà trường đã phải huy động kinh phí để làm giếng khoan trị giá 14 triệu đồng.

 

Cũng theo phản ánh của nhiều hộ dân, do công trình nước tự chảy ở miền Tân Minh đã vận hành qua gần 10 năm nên nhiều đoạn ống dẫn nước đã bị vỡ, hư hỏng, bể chứa nước không thường xuyên được nạo vét nên có hiện tượng lắng bùn đất, mỗi khi trời mưa, nguồn nước dồn về nhiều thì thường bị đục, có khi phải mất từ 1-2 ngày mới sử dụng được. Ông Vi Văn Quang thuộc tổ quản lý công trình nước sạch này cho biết: Vào mùa khô, công trình chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu sử dụng nước của người dân. Về vấn đề duy tu bảo dưỡng công trình, hiện quy định của xã là thu mỗi 1m3 nước sử dụng của người dân 1.000 đồng, mỗi tháng tổ quản lý thu được khoảng 500 nghìn đồng, 60% số tiền này được dùng để trả thù lao cho các nhân viên của tổ (gồm 3 người), còn lại phục vụ cho vận hành, sửa chữa công trình. Với số tiền hạn chế như vậy, tổ quản lý không thế tiến hành sửa chữa hoặc thay thế những hỏng hóc lớn.

 

Trong những năm qua, Định Hóa đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sinh hoạt nông thôn. Điều này đã góp phần quan trọng cải thiện chất lượng cuộc sống và thói quen sinh hoạt của người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình này được giao cho xã, thị trấn vận hành, khai thác và quản lý. Thực tế cho thấy, một số công trình qua nhiều năm hoạt động đã có một số hạng mục bị hư hỏng, chưa được sửa chữa kịp thời, dẫn đến thiếu nước cung cấp cho người dân vào mùa khô, chất lượng nước đôi khi chưa đảm bảo... Do đó, để các công trình này phát huy hiệu quả hơn nữa, cần thiết phải lập các mô hình tổ chức tự quản phù hợp với tình hình thực tế ở các thôn bản, cụm dân cư, xây dựng quy chế thu phí hợp lý để quản lý, duy tu bảo dưỡng nhằm khai thác bền vững công trình. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…