Gương mặt ai cũng tươi trẻ, rạng rỡ, tràn đầy nhiệt huyết sẵn sàng gác lại việc riêng tư để tham gia các công việc được giao phó… Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với các thành viên Đội tuyên truyền lưu động phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tỉnh.
Vài năm trước đây, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) được biết đến là điểm nóng về tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Đây cũng là địa phương trong tốp xã, phường có số lượng người nghiện cao của tỉnh. Từ thực tế đó, với mong muốn góp sức trẻ trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Tỉnh đoàn đã xây dựng mô hình Đội tuyên truyền lưu động phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Đội có 15 thành viên, do đồng chí Bí thư Đoàn xã làm Đội trưởng, 100% thành viên đều là đoàn viên thanh niên xã Đồng Bẩm. Đội bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2010, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại một số địa phương trọng điểm của tỉnh; vận động đoàn viên, thanh niên, các tầng lớp nhân dân tích cực phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội, thay đổi hành vi kỳ thị, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền, vận động người nghiện, người mắc các tệ nạn xã hội cai nghiện, từ bỏ con đường lầm lỗi, sống có ích với gia đình, xã hội…
Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Thu Hiển, Bí thư Đoàn xã, Đội trưởng Đội tuyên truyền cho biết: Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được 5 tháng, nhưng chúng tôi đã tổ chức được 5 buổi tuyên truyền lưu động tại các địa phương: Phổ Yên, Sông Công, Phú Lương, Đại Từ và Đồng Hỷ. Có lẽ nhớ nhất là buổi đầu tiên thực hiện tại nhà văn hóa xóm Hồng Tiến, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) vì đã có một chút trục trặc. Chương trình của Đội xây dựng với thời lượng khoảng 1 giờ kết hợp với khoảng 15 tiết mục văn nghệ của địa phương đã khiến cho người xem bỏ về vì chương trình kết thúc quá muộn. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn biểu diễn hết chương trình đã chuẩn bị nhưng sau đó tổ chức họp đội và rút kinh nghiệm ngay để lần sau thực hiện tốt hơn.
Sau lần ấy, khi có kế hoạch tuyên truyền ở địa phương nào, chúng tôi đều sắp xếp để thống nhất trước với địa phương, cùng xây dựng kế hoạch tổ chức sao cho phù hợp cả về nội dung và thời lượng chương trình… Trên thực tế, việc tiếp xúc với các đối tượng mắc tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy là công việc không phải ai cũng muốn làm, nhất là với những đoàn viên thanh niên trẻ tuổi, chưa nhiều kinh nghiệm như các thành viên trong Đội tuyên truyền. Tuy nhiên, họ lại có “khiếu” trong việc dàn dựng và biểu diễn các tiểu phẩm về chủ đề này. Họ biết biến những vấn đề khô cứng, tẻ nhạt thành những chi tiết gây cười, dễ nhớ để thu hút đông đảo người dân tham gia.
Anh Nguyễn Thành Đô, Đội phó phụ trách văn nghệ bảo: Chúng tôi thường sưu tầm các tiểu phẩm và tập luyện nhuần nhuyễn trước khi tuyên truyền. Các thành viên trong đội phải sắp xếp thời gian để tập vào các buổi tối nhưng các bạn rất nhiệt tình, trách nhiệm. Các tiểu phẩm của Đội đã để lại ấn tượng tốt, được người xem đánh giá cao... Được biết, để có một tiểu phẩm, Đội phải tập luyện cả tuần mới xong.
Xuất phát từ sự nhiệt tình, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với công tác phòng, chống TNXH nói chung, ma túy, HIV/AIDS nói riêng, ngoài các thành viên của Đội còn có sự tham gia của những người ở địa phương đã từng nghiện ma túy hoặc đang trong thời gian cai nghiện. Với những người trong cuộc, đây là cơ hội để họ không ngần ngại nói lên tâm tư, nguyện vọng và sự ăn năn sự lầm đường, lạc lối của mình làm khổ bản thân, gia đình và mong muốn những người đang đi trên con đường như họ hãy quay đầu lại sẽ thấy phía trước là bờ.
Việc tuyên truyền của Đội nói riêng, các đoàn viên thanh niên xã Đồng Bẩm nói chung đã góp phần vào việc giúp địa phương không phát sinh người nghiện mới. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã còn 197 người nghiện ma túy. Sau khi rà soát, các đối tượng nghiện đều được phân bổ và gắn trách nhiệm cho các đoàn thể quản lý, giúp đỡ. Năm nay, tổ chức Đoàn được giao nhiệm vụ giúp đỡ 26 người nghiện ở xóm Đồng Bẩm và Tân Hương. Đến nay, có 1 người đang hoàn tất thủ tục để đề nghị tái hòa nhập cộng đồng và nhiều người đăng ký cai nghiện tự nguyện vì họ đã nhận thức được tác hại của ma túy dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội khác thông qua công tác tuyên truyền của chính những người trẻ tuổi ở địa phương mình.