Hướng thiện cho những trẻ em chưa ngoan

20:35, 16/12/2010

Với mục hướng thiện cho những trẻ em chưa ngoan, tháng 9-2009, Công an huyện Đại Từ đã triển khai mô hình điểm về quản lý, giáo dục đối tượng trẻ em này tại 2 xã Bản Ngoại và Khôi Kỳ. Sau hơn một năm triển khai, đồng chí Ngô Tuấn Hải, Trưởng Công an huyện Đại Từ nhận xét: Mô hình bước đầu đã cho kết quả khả quan, nhiều em có tiến bộ rõ rệt...

Huyện Đại Từ hiện có trên 600 trẻ chưa ngoan, đa phần rơi vào độ tuổi thiếu niên bởi đây là lứa tuổi rất nhạy cảm với các tác động của xã hội. Trong khi đó, môi trường sống hiện nay tràn lan những cám dỗ khiến các em dễ bị sa ngã. Thực tế cho thấy có nhiều gia đình, bố mẹ do bận công tác hoặc lo làm ăn nên không thường xuyên quan tâm tới các em hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu về vật chất nhưng lại không chú ý đến giáo dục các em. Vì thế, các thói quen xấu hình thành khiến nhân cách các em thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Nguy hiểm hơn nữa đây chính là nhóm trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật cao.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Công an huyện đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng công an xã, các ban, ngành, đoàn thể cùng nhà trường, gia đình tham gia quản lý, giúp đỡ 16 trẻ em chưa ngoan. Bằng các biện pháp giáo dục như phối hợp với gia đình giáo dục, răn đe, bảo ban, quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em; nêu các tấm gương điển hình cùng độ tuổi có thành tích xuất sắc được khen thưởng để các em học tập; thành lập Ban Chỉ đạo Quản lý và Giáo dục trẻ em chưa ngoan ở 2 xã trên, phân công các thành viên trực tiếp quản lý các em... Với nhiều biện pháp giáo dục tích cực, sau hơn 1 năm triển khai mô hình trên, đã có hơn 10 cháu được đưa ra khỏi diện quản lý của công an. Đặc biệt, mô hình giáo dục quản lý trẻ em chưa ngoan đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân, hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm nhiều.
 
Để tìm hiểu về hiệu của mô hình này, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại các xã: Khôi Kỳ và Bản Ngoại. Chị Đàm Thị Hương, xóm Chùa, xã Khôi Kỳ, có con trai Ngô Văn Sơn, sinh năm 1996 là một trong những trẻ em chưa ngoan tâm sự: Trước đây, do bản tính hiếu động, nghịch ngợm, cháu thường trêu trọc bạn bè, đi học thì ngủ trong lớp, học không vào, tiếp thu chậm, lười học. Đáng lẽ tuổi này như con cái người ta đã học lớp 9 rồi nhưng nó bị đúp 1 năm, 1 năm lại bị trường cho nghỉ học ở nhà nên giờ mới học lớp 6 - Trường THCS Khôi Kỳ. Thực hiện mô hình quản lý giáo dục trẻ em chưa ngoan trên địa bàn, chính quyền địa phương chỉ đạo nhà trường tiếp nhận em Sơn vào học; lực lượng công an xã đã tới gia đình động viên em đi học. Đồng chí Nguyễn Công Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Khôi Kỳ được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp Sơn. Đồng chí thường xuyên bảo ban, giúp đỡ, khuyên nhủ điều hay lẽ phải, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của em nên Sơn đã có nhiều tiến bộ, kết quả học tập tốt hơn, được bạn bè, thầy cô giáo tin yêu.
 
Nói về hiệu quả của mô hình này, đồng chí Hoàng Văn Dũng, Trưởng Công an xã Bản Ngoại cho biết: Nổi tiếng nhất trong đám trẻ không ngoan ở xã Bản Ngoại phải kể đến em Nguyễn Văn Quân, sinh năm 1994 ở xóm Na Dạ. Quân là đứa trẻ học kém, mải chơi, nhiều lần tái phạm ăn cắp vặt. Vào tháng 9-2008, đúng hôm Trường Tiểu học Bản Ngoại tổ chức khai giảng năm học mới, trong khi các bạn cùng trang lứa hân hoan chào đón năm học mới thì Quân lẻn vào phòng dành cho giáo viên lấy trộm túi xách trong đó có 7 triệu đồng và 1 điện thoại di động của một cô giáo trong trường. Với số tiền ăn trộm được, Quân đã rủ bạn bè đi đánh điện tử thâu đêm suốt sáng, thậm chí còn sắm cho mỗi người bạn trong nhóm 1 điện thoại. Sau khi bị công an xã phát hiện, Quân đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình và bố mẹ Quân phải bán trâu để lấy tiền đền cho cô giáo. Khi xã Bản Ngoại triển khai mô hình quản lý, giáo dục trẻ em chưa ngoan, Quân cũng là một trong 10 đứa trẻ thuộc diện quản lý của mô hình. Đến nay, tuy Quân không còn đi học nhưng Quân luôn chịu sự quản lý giáo dục của gia đình, tích cực lao động sản xuất và không có biểu hiện vi phạm.
 
Có thể nói, mô hình giáo dục trẻ chưa ngoan trên địa bàn huyện Đại Từ bước đầu đã cho hiệu quả nhất định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng chí Ngô Tuấn Hải cho biết: Chúng tôi đang chuẩn bị họp tổng kết mô hình điểm và trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này trên địa bàn. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với các trường học rà soát nhằm phát hiện những trường hợp trẻ em chưa ngoan để tiếp tục đưa vào quản lý. Để làm tốt trọng trách ấy, mỗi chúng ta hãy là người bạn tốt của các em, biết lắng nghe các em nói, đặc biệt là biết sử dụng các phương pháp giáo dục một cách khoa học, trong đó lấy thuyết phục, động viên, khuyến khích, nêu gương nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em chưa ngoan...