Ngành Y tế với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

15:45, 29/12/2010

Tiếp tục kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao y đức và chất lượng điều trị tại các tuyến, ưu tiên phát triển kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong điều trị, tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác y tế… Đó là những định hướng quan trọng mà ngành Y tế đã và đang tích cực thực hiện nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

Năm 2009 là năm mà ngành Y tế Thái Nguyên phải đối mặt với những đợt bùng phát của các dịch bệnh nguy hiểm như: cúm A (H1N1) ở người, cúm A (H5N1), bệnh lỵ, tiêu chảy, thủy đậu, quai bị… Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn ngành trong việc xây dựng và triển khai phương án phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với dịch theo từng cấp độ khác nhau nên đã nhanh chóng dập tắt ổ dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

           

Trao đổi về những kết quả đã đạt được, đồng chí Hà Văn Thức, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Y tế, mạng lưới y tế của tỉnh không ngừng được củng cố, hoàn thiện và phát triển. Các cơ quan quản lý về y tế, hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế từ tỉnh đến huyện đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Trong năm 2009, từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, chương trình mục tiêu Quốc gia, ODA, tài trợ từ các tổ chức nước ngoài... ngành Y tế đã thanh toán vốn đạt trên 174 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng của các bệnh viện huyện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và cơ sở y tế trên địa bàn. Cùng với đó, ngành đã phối hợp với các huyện, thành, thị xã tích cực triển khai xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã. Theo tiến độ thực hiện, đến hết năm 2009 toàn tỉnh sẽ có 107/180 xã, phường đạt chuẩn (chiếm 59,44%); hầu hết các trạm y tế đã có đủ trang thiết bị cơ bản để hoạt động. Hiện tại, bằng nguồn vốn của Dự án AP và OFID tài trợ, ngành đang tiếp tục xây dựng chuẩn ở 57 xã trên địa bàn, phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ có 100% xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

 

Việc thực hiện các chương trình y tế Quốc gia đã đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó tỷ lệ tiêm chủng đủ liều cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 99,20%; số trẻ được tiêm phòng uốn ván sơ sinh đạt 99,23%; phụ nữ có thai được tiêm đủ 2 liều vác xin phòng uốn ván đạt 99,49%. Hoạt động phòng chống và giám sát HIV/AIDS được duy trì thường xuyên và ngày càng chặt chẽ, việc can thiệp giảm tác hại, chăm sóc điều trị, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con tiếp tục được tăng cường; số lũy tích người có HIV là 6.314 người; số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong do HIV/AIDS giảm so với năm 2008. Các chương trình y tế khác như: an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em; dinh dưỡng, ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường... được triển khai tốt, đảm bảo kế hoạch đề ra. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn đã được thực hiện tốt, bình quân số lượt người được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng đáng kể: Năm 2007 là 1,67 lần/người/năm; năm 2008 đạt 1,89 lần/người/năm; năm 2009 đạt trên 1,9 lần/người/năm. Tổng số lượt điều trị nội trú của cả năm tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện là gần 135.000 lượt; công suất sử dụng giường bệnh bình quân toàn tỉnh đạt gần 152%/năm 2009.

 

Với chủ trương phát triển và áp dụng đúng hướng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong điều trị, góp phần giảm số bệnh nhân phải chuyển tuyến Trung ương, năm qua ngành Y tế đã liên tục cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu, mạnh dạn đầu tư và liên kết đầu tư để đưa các trang thiết bị y tế hiện đại về các bệnh viện. Đến nay các kỹ thuật chuyên sâu như: chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu, sinh dục, tai mũi họng, lấy máu tụ trong sọ não, phẫu thuật cột sống; chụp vi tính cắt lớp, siêu âm màu đa chiều chẩn đoán; định lượng một số hoá chất tồn dư trong lương thực, thực phẩm đã được thực hiện ở nhiều bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh. Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã thành thạo trong thực hiện mổ cấp cứu ổ bụng, chửa ngoài dạ con, cắt tử cung, xử lý đa chấn thương, truyền máu tại chỗ... nên đã hạn chế đáng kể lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, giảm chi phí điều trị bệnh cho người dân.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ tại tuyến xã chưa yên tâm công tác do thu nhập thấp; nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các cơ sở Y tế chưa đáp ứng được so với thực tế; tiến độ giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản của toàn ngành còn chậm; tiến độ xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác quản lý chất lượng mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm chưa được đảm bảo do thiếu thiết bị chuyên dùng cho kiểm nghiệm.

 

Trong năm 2010, ngành Y tế đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm là: Phấn đấu để mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản. Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế nhằm tăng cường sức khỏe nhân dân. Chủ động phòng chống dịch, không để bệnh dịch nguy hiểm xảy ra, không để tử vong do dịch. Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm. Phát huy nội lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các tuyến bệnh viện, ưu tiên phát triển chuyên khoa sâu với những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Tiếp tục đưa bác sĩ, kỹ thuật viên giỏi để hỗ trợ tuyến dưới. Xây dựng và triển khai tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.