Ông tổ 9 đời của dòng họ Ma Quang ở thôn Thẩm Rộc, xã Bình Yên (Định Hóa) là cụ Ma Công Bằng đã sáng tạo và để lại cho văn hóa dân tộc Tày nói riêng và cộng đồng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung một nét nghệ thuật độc đáo, đó là múa rối cạn. Rối cạn thường được dòng họ Ma Quang biểu diễn đầu năm (vào dịp Tết Nguyên đán, hội làng hay hội Lồng Tồng…) nhằm mục đích mua vui cho công chúng, cùng với ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Mộc mạc mà độc đáo
Ai đó đã từng một lần được xem biểu diễn múa rối Tày Thẩm Rộc hẳn đều có chung cảm giác ngạc nhiên và thú vị. Những khúc gỗ thô kệch, mộc mạc qua bàn tay đẽo gọt và điều khiển của những nghệ nhân đã trở nên linh hoạt và sống động lạ thường. Trong biểu diễn rối cạn, các con rối được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo nên một vở kịch độc đáo, thu hút người xem. Anh Ma Đình Chóng, Trưởng phường rối Thẩm Rộc cho hay: “Người xưa thường dựa vào muông thú, cỏ cây để dự đoán thời tiết, từ đó chủ động trong canh tác nông nghiệp. Ví dụ số lần con tắc kè kêu là chẵn thì trời sẽ nắng, là lẻ thì trời sẽ mưa, nên các cụ đã sáng tác ra trò múa rối con tắc kè leo cây chờ mưa và người người trèo cây bắt tắc kè. Mỗi buổi biểu diễn múa rối thường kéo dài chừng hơn 1 tiếng đồng hồ theo trình tự nội dung là “tiền ối, hậu la”. Nghĩa là, mở đầu màn kịch là phần “ối” do 2 người mặc áo xiêm, quấn khăn biểu diễn nhằm giữ trật tự và thu hút đám đông, tiếp đó là nội dung biểu diễn có kết hợp với lời giáo huấn và các loại nhạc cụ, kết thúc là trò leo cây bắt tắc kè, bắt rắn.
Nét độc đáo của rối Tày Thẩm Rộc cũng xuất phát từ cách thức làm ra con rối. Vật liệu làm rối thường bằng gỗ thừng mực, một loại cây thân gỗ phổ biến ở miền núi, vừa dễ chế tác lại không bị mối mọt. Để tạo ra một con rối cỡ trung bình, các nghệ nhân cần thời gian từ 2 đến 3 ngày, trải qua các công đoạn như lựa chọn vật liệu, tạo hình bằng tay (đây là công đoạn cần sự khéo léo, cầu kỳ và mất nhiều thời gian nhất), phơi khô, sơn mầu và may quần áo cho nhân vật. Hiện nay, một bộ rối để biểu diễn có 13 con, trong đó có 2 con đầu đàn (có kích thước lớn hơn cả và được làm bằng gỗ mít). Các con rối di chuyển linh hoạt thông qua sự điều khiển bằng những thanh tre gắn vào thân, đầu, tay và chân của nhân vật, để tiện điều khiển và bảo quản. Gần đây, các nghệ nhân đã thay những thanh tre bằng sắt hoặc nhôm. Trước khi biểu diễn, Trưởng phường rối phải làm lễ tạ ơn ông, bà rồi mới bắt đầu. Bộ rối cổ của dòng họ Ma Quang đã có cách đây gần 200 năm, gồm 33 con được bảo quản cẩn thận và chỉ có trùm phường rối mới được giữ và mở ra...
Nguy cơ ngày càng mai một
Sau hơn 40 năm vắng bóng, nghệ thuật rối Tày Thẩm Rộc mới được khôi phục và biểu diễn trở lại từ năm 1999. Bằng sự say mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này, anh Ma Quang Chóng, Trưởng tộc rối Ma Quang đã sáng tạo ra nhiều con rối mới và từng bước khơi dậy truyền thống múa rối của dòng họ. Từ đó đến nay, phường rối Thẩm Rộc thường xuyên duy trì số lượng từ 13 đến 15 thành viên, gồm: 6 người điều khiển; 4-6 người chơi nhạc, hát; 1 người đọc lời giáo huấn và 1 người phụ giúp. 2 năm trở về trước, hàng năm, phường rối đều tổ chức luyện tập và biểu diễn. Đáng chú ý, năm 2000 phường rối Tày Thẩm Rộc đã được tham dự Liên hoan Nghệ thuật rối Quốc tế tại Hà Nội.
Tuy vậy, 2 năm trở lại đây, phường rối Tày Thẩm Rộc đã không tổ chức được buổi tập luyện và biểu diễn nào, các thành viên trong phường đi làm ăn mỗi người một nẻo. Bản thân anh Ma Quang Chóng hiện nay sức khỏe đã yếu nhiều (do bị tai biến mạch máu não) nên không thể tạo hình con rối và tổ chức biểu diễn. Nghệ thuật rối cạn Thẩm Rộc từ bao đời nay vẫn lưu truyền theo hình thức cha truyền con nối, con rối là hình tượng rất linh thiêng nên khi người trong họ chết đi thường mang theo con rối vì sợ ma hát (ma bắt), cũng vì lý do này mà những người ngoài họ có muốn cũng không dám học làm rối và múa rối. Hiện phường Tày Thẩm Lộc rối có 3 thành viên ngoài dòng họ Ma Quang nhưng họ chỉ tham dự với vai trò là người hát then, biểu diễn đàn tính và thổi sáo. Anh Ma Quang Chóng cho biết: Một buổi biểu diễn trước kia phải bao gồm 8 trò, kéo dài cả buổi, nhưng do các trò có nội dung chồng chéo, phức tạp về lời dẫn cổ nên đến nay phường đã tinh giảm xuống còn một trò gồm nhiều mục nhỏ. Các con rối biểu diễn đều do anh Chóng sáng tạo ra. 33 con rối cổ được cất kỹ trong hòm và hầu như không được mở ra xem chứ chưa nói đến mang đi biểu diễn nên nhiều con đã bị hư hỏng. Với những con rối mới, anh Chóng bán cho khách du lịch cùng một số bảo tàng trong và ngoài tỉnh. Hiện anh chỉ còn 2 con rối là hình tượng người đang giã gạo và anh nông dân đang cày ruộng (vẫn chưa hoàn thiện). Anh Chóng thừa nhận: Giờ có muốn biểu diễn cũng không được vì không có con rối…
Qua thực tế cho thấy, nghệ thuật múa rối Tày ở Thẩm Rộc đã và đang có ngày càng mai một do những nghệ nhân tâm huyết và giỏi nay đã có tuổi, trong khi lớp trẻ không có điều kiện hoặc không tâm huyết với nghệ thuật rối. Điều làm anh Chóng và những người trong phường rối băn khoăn đó là chỉ có anh Chóng biết làm con rối, muốn tìm người để truyền nghề mà không có. Việc tập hợp được tất cả mọi người trong phường rối để tập luyện và biểu diễn cũng khó khăn do thiếu nguồn kinh phí.
Rối Tày Thẩm Rộc từ lâu đã là một món ăn tinh thần quan trọng của những người dân thuần phác ở vùng thôn quê miền núi Định Hóa. Để nghệ thuật rối Tày tiếp tục được duy trì và phát triển, bên cạnh nỗ lực của những người trong cuộc, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng, những người tâm huyết với một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc...