Sau gần 3 tháng chính thức triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế mới (BHYT), thực tế đã phát sinh nhiều bất cập. Ông Nguyễn Minh Thảo (Trưởng ban Giám định BHYT, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam) cho biết, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam đã thành lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát các bệnh viện lớn trong cả nước để có hướng triển khai luật phù hợp.
Còn đó những bất cập
Kết quả kiểm tra cho thấy, sau gần 3 tháng triển khai luật, đã phát sinh những bất cập. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hiện các đối tượng này đã được cấp thẻ BHYT thay cho thẻ khám chữa bệnh trước đây (nhưng chưa thực hiện được đồng bộ). Nhiều địa phương vẫn chưa nhận được danh sách trẻ dưới 6 tuổi từ ngành lao động, thương binh và xã hội chuyển sang, trong khi thẻ khám chữa bệnh cũ, các cháu lại chưa đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nên vẫn phải đi khám tự do, khiến các bệnh viện khó xác định được đúng đối tượng để cơ quan BHXH chuyển quỹ bảo hiểm về thanh toán. Bên cạnh đó, một số dịch vụ kỹ thuật và thuốc BHYT không nằm trong danh mục phải thanh toán với trẻ dưới 6 tuổi nhưng chưa được quy định lại, khiến các bệnh viện lúng túng khi thanh toán. Ông Nguyễn Minh Thảo cho rằng, trước mắt, Bộ Y tế sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc cho trẻ dưới 6 tuổi. Bộ sẽ rà soát và sớm ban hành danh mục dịch vụ, danh mục thuốc của trẻ dưới 6 tuổi, theo hướng những loại bệnh, dịch vụ kỹ thuật có thể thanh toán trọn gói thì sẽ ưu tiên thanh toán theo hướng này.
Điều khiến dư luận đang rất quan tâm nữa là thanh toán bảo hiểm với người bị tai nạn giao thông. Bộ Y tế đã làm việc với Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và BHXH Việt
Theo quy định của luật, những trường hợp khám chữa bệnh BHYT vượt tuyến phải thanh toán trực tiếp, nghĩa là người bệnh phải thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, sau đó đem hóa đơn đến cơ quan BHXH để thanh toán. Tuy nhiên, các thủ tục này còn rất "rườm rà", mất nhiều thời gian, nên Bộ Y tế đang đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thỏa thuận với cơ quan BHXH để thanh toán ngay tại chỗ cho người bệnh.
Cần điều chỉnh kịp thời
Hiện, tại các bệnh viện lớn của Hà Nội, mỗi ngày đều có đến vài trăm lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Tại hành lang, các phòng khám những bệnh viện này đều được dán tờ rơi giới thiệu những quy định mới về BHYT, đối tượng và phần trăm chi trả, có nơi còn phát tờ rơi cho bệnh nhân... để tuyên truyền luật mới. Tuy nhiên, khi được hỏi thì hầu hết bệnh nhân đều chỉ biết "lơ mơ", với các bệnh nhân là trẻ em, phần lớn các vị phụ huynh chấp nhận khám không dùng thẻ để được nhanh chóng... Bà Nguyễn Hiền Vân (Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, từ ngày 1-10-2009, bệnh viện này thực hiện thanh toán theo quy định mới đối với những thẻ BHYT phát hành từ ngày 1-10-2009, còn những thẻ phát hành trước đó vẫn theo quy định cũ. Tại Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập riêng tổ giám định BHYT trực hằng ngày từ ngày 1-10-2009, cũng thực hiện quy trình khám chữa bệnh "một cửa". Nhờ vậy, khoảng 5.000 bệnh nhân mãn tính thường xuyên điều trị tại bệnh viện này không cần phải qua phòng tiếp đón mà được đến thẳng phòng khám của bác sỹ. Đây là thuận lợi ban đầu được các bệnh nhân đánh giá cao khi khám chữa bệnh theo Luật BHYT mới.
Có thể nói, từ khi Luật BHYT mới có hiệu lực đã tạo ra những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những bất cập. Ngoài thiếu những hướng dẫn cụ thể thì công tác tuyên truyền vẫn còn hạn chế, đây là vấn đề mà các ngành chức năng cần sớm khắc phục để Luật BHYT thực sự đi vào cuộc sống.