Theo Quyết định 1315 của Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá, từ ngày 1/1/2010, ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, các khu vực sản xuất, nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng... sẽ bị cấm hút thuốc lá tuyệt đối, kể cả không được làm khu vực riêng để hút thuốc.
Còn tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng), và khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường chỉ được phép hút thuốc tại “khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá”. Khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá phải có thông khí riêng biệt. Tại nơi cấm hút thuốc lá phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”.
Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, hiện Dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế xây dựng với 6 chương, 30 điều đang lấy ý kiến ban soạn thảo đưa ra phương án: việc ghi nhãn bao bì thuốc lá phải được in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh rõ ràng, dễ nhìn và chiếm ít nhất 50% diện tích của mặt trước, sau bao thuốc nhằm tác động trực tiếp đến người sử dụng, khiến họ biết sợ để tránh xa thuốc lá. Hiện nay, cảnh báo về tác hại của thuốc lá chỉ chiếm khoảng 30% diện tích trước và sau của bao thuốc, theo các chuyên gia, thông điệp này chưa đủ mạnh.
Cấm hút thuốc lá nơi công cộng bao gồm cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá (đó là các sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì-gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu hoặc các sản phẩm khác dùng để hút, nhai ngửi và mút). Người vi phạm sẽ bị xử phạt 50.000-100.000 đồng/lần vi phạm.