Từng bước nâng vị thế qua việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu

09:36, 24/12/2010

Năm qua, toàn ngành Y tế tỉnh đã không ngừng củng cố đội ngũ cán bộ, tích cực đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và y tế chuyên sâu, qua đó từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phấn đấu trở thành trung tâm của vùng Đông Bắc trong lĩnh vực Y tế theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.

 

Trong nhiều năm trở lại đây, hệ thống tổ chức, bộ máy ngành Y tế của tỉnh đã từng bước được củng cố, hoàn thiện theo mô hình do Bộ Y tế quy định, nhưng vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Hiện nay, tổ chức, bộ máy ngành Y tế của tỉnh gồm 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và được phân thành 3 khối (Quản lý Nhà nước, Dự phòng, Điều trị). Tổng biên chế hiện có của toàn ngành là trên 3.720 cán bộ, trong đó có gần 800 bác sĩ (đạt 6,6 bác sĩ/10.000 dân). Tổng số giường bệnh tại các tuyến là 3.260 giường (đạt 29,5 giường bệnh/10.000 dân). Xác định tầm quan trọng của cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị y tế có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị cho người bệnh, trong thời gian từ năm 2006-2010, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành  tế đã đầu tư gần 712 tỷ đồng, triển khai các hạng mục xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các trạm y tế xã, qua đó chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên rõ rệt, số trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia trong toàn tỉnh chiếm trên 64,44%. Với nhận thức là công tác phòng bệnh phải đi trước một bước, ngành Y tế đã luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

 

Các hoạt động phòng chống dịch bệnh được chủ động triển khai thường xuyên, có sự gắn kết và phối hợp chặt chẽ từ tỉnh đến huyện và cả cấp xã, do đó nhiều năm liên tục trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra; mỗi khi có ổ dịch xuất hiện, cán bộ của các đơn vị thuộc khối dự phòng đã liên tục bám địa bàn, chỉ đạo và trực tiếp cùng y tế xã khống chế, dập tắt kịp thời, không để dịch lan rộng.

 

Công tác khám chữa bệnh cũng đã được tăng cường theo hướng phổ cập và chuyên sâu. Số lượt ng­ười dân đư­ợc chăm sóc y tế tăng từ 1,43 lần/người/năm 2005 lên 1,94 lần/ngư­ời/năm 2009; dự kiến sẽ đạt 2,0 lần/người/năm 2010. Các kỹ thuật cao, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị được triển khai ứng dụng ngày càng nhiều tại các bệnh viện trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có thể kể đến các kỹ thuật chuyên sâu đã được thực hiện thành công là: Chạy thận nhân tạo, phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco, kỹ thuật tách các thành phần của máu, mổ soi treo vi phẫu thanh quản, chụp cắt lớp hệ thống mạch máu đa giác Willis... tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương. Chụp cắt lớp, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật máu tụ trong sọ não do chấn thương sọ não kín, kỹ thuật nội soi trong lĩnh vực tai - mũi - họng, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, gai đôi, phẫu thuật gãy cổ xương đùi tại Bệnh viện C. Phẫu thuật mổ nội soi u xơ phì đại lành tính tuyến tiền liệt; mổ cắt gan ở Bệnh viện Gang thép...

 

Bên cạnh đó, một số bệnh viện đã mạnh dạn triển khai phẫu thuật và điều trị một số bệnh cao hơn phân tuyến kỹ thuật, qua đó nâng cao uy tín và tạo được niềm tin trong nhân dân. Với phương châm phấn đấu bằng nội lực, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp chuyên doanh trong lĩnh vực Y tế để đầu tư máy móc hiện đại, góp phần tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng điều trị. Có thể kể đến những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này là: Bệnh viện C với việc liên kết cùng Công ty Gamastar (Singapore), đầu tư gần 70 tỷ đồng lắp đặt và đưa vào sử dụng Dao gamma (thiết bị xạ phẫu 3 chiều tiên tiến nhất hiện nay) để điều trị nhiều loại u bướu trên cơ thể người; Bệnh viện A với việc liên kết lắp đặt máy lọc máy nhân tạo; Bệnh viện Đại từ với việc lắp đặt máy chụp cắt lớp vi tính...

 

Từ hướng đi mạnh dạn này, hiệu quả trong công tác điều trị đã được nâng lên rõ rệt, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trước đây phải chuyển về các bệnh viện tuyến Trung ương thì nay đã được điều trị ngay tại tỉnh, góp phần giảm được chi phí cho người bệnh. Không những thế, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại, nhiều bác sĩ có tay nghề khá đã mạnh dạn đi sâu tìm hiểu, áp dụng được nhiều kỹ thuật mới, hiệu quả cao vào công tác điều trị, đồng thời trực tiếp chuyển giao những kỹ thuật đó cho các đồng nghiệp tại các bệnh viện trên địa bàn, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện.

 

Trao đổi về định hướng công tác Y tế trong thời gian tới, Tiến sĩ Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Mục tiêu chung của toàn ngành Y tế tỉnh là phấn đấu để mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay từ tuyến cơ sở. Từng bước phát triển các kỹ thuật chuyên sâu để xây dựng Thái Nguyên thành Trung tâm y tế khu vực vùng trung du miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến hết năm 2015, 100% xã đạt Chuẩn Quốc gia về Y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn dưới 14%; giảm tỷ suất sinh thô hàng năm 1%0.  

 

Về mục tiêu cụ thể, toàn ngành sẽ đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án Trung tâm y tế kỹ thuật cao vùng Đông Bắc. Tổ chức, sắp xếp lại một số đơn vị y tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, xây dựng thành một trung tâm các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại. Củng cố hệ thống y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng labo xét nghiệm HIV/AIDS hoàn chỉnh, đủ điều kiện đáp ứng như cầu của các tỉnh vùng Đông Bắc. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến, tăng cường các kỹ thuật chuyên sâu, phát triển việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở. Tăng cường xã hội hóa công tác y tế, phấn đấu đến năm 2015 có thêm các trung tâm: Phẫu thuật tim mạch, lồng ngực; Trung tâm Hồi sức cấp cứu; Trung tâm ứng dụng Công nghệ sinh học; Trung tâm điều trị vô sinh; Trung tâm chấn thương chỉnh hình... nằm trong Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và các Bệnh viện tỉnh. Tích cực thu hút đầu tư để có thêm từ 5-7 Bệnh viện tư nhân và doanh nghiệp Dược có chất lượng cao, góp phần đảm bảo tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn và các vùng lân cận.