Từ nhiều năm nay, bà con xóm 7, xã Phúc Tân (Phổ Yên) luôn đoàn kết chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 13 năm liền xóm không có người sinh con thứ 3. Từ năm 2004 đến nay, xóm luôn đạt danh hiệu xóm văn hóa tiêu biểu. Cùng đó, người dân cũng mạnh dạn tìm hướng mới trong phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Chúng tôi đến xóm 7, xã Phúc Tân vào đúng ngày trời mưa rả rích. Con đường đất đỏ lầy lội, trơn truột khiến bất cứ ai khi điều khiển xe cũng phải vất vả mới giữ được tay lái cho khỏi ngã. Tiếp chúng tôi, Trưởng xóm Trần Văn Đôn, cho biết: Xóm 7 có 58 hộ với trên 200 nhân khẩu. Diện tích đất nông nghiệp của xóm là hơn 290 nghìn m2, trong đó cây trồng chủ yếu là lúa và chè.
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Đình Khỏe, một trong những hộ mạnh dạn trong phát triển kinh tế của xóm. Nhà ông có 2.500 m2 chè, trong đó gia đình ông đã chuyển một nửa diện tích sang trồng chè cành giống mới. Mỗi lứa thu hái được khoảng trên 50 kg chè khô, với giá bán trung bình 60 nghìn đồng/kg. Nhận thấy cấy lúa và trồng chè không thể làm giàu được, ông Khỏe đã thường xuyên tìm hiểu trên ti vi, sách báo để học cách nuôi ba ba, một loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm 2008, gia đình ông đầu tư 16 triệu đồng để xây ao với diện tích trên 200m2. Năm 2009, ông Khỏe thả 100 con ba ba giống. Ông Khỏe tâm sự: Vừa nuôi tôi vừa tìm hiểu đặc tính của loài ba ba trơn. Ba ba trơn được thị trường ưa chuộng hơn ba ba lai bởi thịt nhiều nạc. Vừa rồi, gia đình tôi đã xuất bán lứa ba ba giống đầu tiên với giá 120 nghìn/con, thu về hơn 12 triệu đồng. Hiện, trong ao của gia đình đang tiếp tục nuôi hơn 200 con baba.
Đối với hộ ông Trần Tiến Dũng, ngoài làm chè, cấy lúa, gia đình ông còn đầu tư nuôi trâu sinh sản. Ông Dũng cho biết: Tận dụng diện tích rừng của địa phương, gia đình tôi đã nuôi trâu sinh sản để góp phần tăng thu nhập. Trâu là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi và ít bị mắc dịch bệnh. Nhà tôi thường nuôi từ 10-15 con. Mỗi năm đàn trâu cho bán 4-5 con, với giá trung bình 10 triệu đồng/con, thu lãi 50 triệu đồng/năm.
Các hộ ông Khỏe, ông Dũng chỉ là 2 trong tổng số hơn 50 hộ dân trong xóm đang tìm hướng vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ tận dụng diện tích đất nông nghiệp của địa phương và mạnh dạn trong việc đưa những loại cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất nên đời sống của bà con xóm 7 đã có những thay đổi. Khoảng 30% số hộ trong xóm có thu nhập khá. 90% số hộ có xe máy và các phương tiện nghe nhìn.
Ngoài phát triển kinh tế, bà con trong xóm 7 còn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bí thư Chi bộ Đặng Văn Lưu nói: Năm 2008, khi Nhà nước có chủ trương làm tuyến đường nhựa nối liền các xã: Phúc Thuận, Phúc Tân và Tân Cương, tôi là người đầu tiên đứng ra hiến 160 m2 đất của gia đình để làm đường và vận động các đảng viên trong Chi bộ cùng tham gia hiến đất. Năm 2009, xóm có chủ trương làm nhà văn hóa nhưng lại không có quỹ đất chung. Trước tình hình trên, ông Trần Công Nguyên, một hộ dân trong xóm đã đồng ý hiến một phần đất của gia đình.
Ông Nguyên tâm sự: Nhận thấy mảnh đất của gia đình nằm ở trung tâm xóm, lại gần đường giao thông liên xóm, rất phù hợp để xây nhà văn hóa nên tôi đã bàn bạc cùng gia đình hiến 600 m2 đất thổ cư đất của gia đình để xóm làm nhà văn hóa. Có nhà văn hóa, bà con trong xóm có nơi tụ họp để nghe phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời là nơi bà con trao đổi, học tập kinh nghiệm trong làm ăn. Ngoài ra, bà con trong xóm 7 còn thực hiện tốt các phong trào quyên góp ủng hộ các loại quỹ như: Quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, Quỹ ủng hộ bão lụt. 13 năm nay, xóm không có người sinh con thứ 3. Tình hình an ninh chính trị luôn được đảm bảo. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.
Một ngày đi vòng quanh xóm 7, gặp và trò chuyện với những người nông dân thật thà, mến khách, tôi cảm nhận được niềm vui trên gương mặt của họ khi con đường nhựa nối liền các xã Phúc Thuận, Phúc Tân và Tân Cương sắp được hoàn thiện. Nhờ có con đường nhựa này, việc lưu thông hàng hóa của bà con sẽ thuận lợi hơn và chúng tôi tin rằng, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng sung túc hơn.