Tạo bước đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

17:00, 10/01/2011

Những ngày đầu năm mới 2011, chúng tôi có dịp về lại Trạm y tế xã Yên Ninh (Phú Lương). Khác với khung cảnh chật chội, nhà cửa xuống cấp bám đầy rêu mốc mà chúng tôi thấy trong chuyến công tác tại Trạm cách đây gần một năm, giờ hiển hiện trước mắt là khu nhà trạm khang trang, với diện tích sử dụng trên 500m2, có vườn cây thuốc nam, công trình nước sạch, sân đổ bê tông chắc chắn.

 

Tiếp chúng tôi trong căn phòng thơm mùi sơn mới, Bác sĩ Ma Thị Lượng, Trạm trưởng phấn khởi cho biết: Trạm Y tế Yên Ninh vừa được Nhà nước đầu tư xây mới trị giá gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, Trạm còn được Trung tâm Y tế huyện cấp đủ thuốc và trang thiết bị y tế cơ bản, bố trí cán bộ chuyên môn phù hợp, qua đó, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong xã có nhiều khởi sắc. Năm 2010, Trạm đã khám chữa bệnh cho trên 5.500 lượt người; 100% trẻ em dưới 1 tuổi của xã đều được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; các chương trình y tế khác như: Phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, DS-KHHGĐ, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe tâm thần… đều được thực hiện tốt, qua đó, tình hình bệnh tật trong xã đã giảm nhiều, sức khỏe của người dân được cải thiện một bước.

 

Trao đổi với Thạc sĩ Chu Hồng Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế, chúng tôi được biết: Năm 2010, ngành Y tế đã đề ra nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng việc củng cố, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, góp phần tạo bước đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Năm 2009, bình quân số lần người dân được chăm sóc y tế đạt 1,94 lần/người; năm 2010 đạt 2 lần/người. Trong năm qua, toàn ngành đã giải ngân được gần 90 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện, trung tâm và trạm y tế trên địa bàn. Thông qua nguồn ngân sách Nhà nước và sự hỗ trợ của các dự án, trên 70 Trạm Y tế  xã đã được cấp đủ trang thiết bị cơ bản (máy điện tim, xét nghiệm nước tiểu, điện châm, tủ sấy, dụng cụ khám ngũ quan…). 25/180 xã, phường trên địa bàn đã xây dựng được mô hình “Phòng tư vấn tình chị em”; xây dựng mô hình điểm về phòng chống các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, chăm sóc sức khỏe tâm thần…) tại 5 xã là Linh Sơn, Huống Thượng, Hóa Thượng, Hợp tiến, Minh Lập. Các mô hình điểm sau khi được triển khai đều phát huy được hiệu quả và sẽ từng bước được nhân rộng ra các địa phương khác.

 

Đến nay, ngoài các bệnh viện tuyến tỉnh, tại một số bệnh viện huyện (Đại từ, Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai) đã ứng dụng hiệu quả kỹ thuật công nghệ thông tin vào công tác quản lý chuyên môn, đảm bảo chính xác, nhanh gọn, tiết kiệm được thời gian; trên 100 trạm y tế trên địa bàn đã được cung cấp máy vi tính và thiết bị tin học để thực hiện quản lý các chương trình chăm sóc sức khỏe, qua đó, tạo nhiều thuận lợi cho cán bộ y tế triển khai các chương trình.

 

Hiện tại, đã có 116/180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia về Y tế. Dự kiến, trong quý I năm 2011, sẽ có thêm 17 xã trên địa bàn được công nhận đạt Chuẩn. Theo ông Chu Hồng Thắng, việc nâng cao chất lượng công tác y tế ở cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương mình, giảm bớt chi phí khám, chữa bệnh; đồng thời góp phần giảm tải cho các  Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương. 

 

Nhờ xác định hướng đi đúng trong việc đầu tư cho y tế cơ sở, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ nên chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các tuyến trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Các kỹ thuật khó trước đây không làm được tại tuyến huyện như: Phẫu thuật lấy thai, cắt tử cung, phẫu thuật đa chấn thương, phẫu thuật kết hợp xương… thì nay đã được thực hiện thành công ở nhiều bệnh viện huyện, góp phần cứu sống nhiều người bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng đã chủ động trong việc phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị để lắp đặt các thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp, máy XQ số, máy lọc máu nhân tạo… qua đó, vừa tạo được nhiều thuận lợi trong quá trình chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, vừa nâng cao được thu nhập cho cán bộ, nhân viên.

 

Một trong những định hướng được ngành Y tế coi là đưa Thái Nguyên trở thành Trung tâm y tế khu vực của các tỉnh vùng Đông Bắc, đó là việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu, xây dựng các trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Để thực hiện được việc này, nhiều năm nay, ngành Y tế tỉnh đã mạnh dạn tìm hướng đi phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng kỹ thuật chuyên sâu. Các bệnh viện trong toàn ngành đã tích cực cử cán bộ đi đào tạo ở các Bệnh viện tuyến Trung ương và nước ngoài để học hỏi các kỹ thuật chuyên sâu. Bên cạnh đó là việc tăng cường đào tạo tại chỗ, mời các giáo sư, bác sĩ giỏi của tuyến Trung ương trực tiếp xử lý các ca bệnh khó, để các bác sĩ của tỉnh học hỏi theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, qua đó nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: Phẫu thuật sọ não, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật đa chấn thương… đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện C, Gang thép, Viện A.

 

Trong định hướng công tác năm 2011 và những năm tiếp theo, đồng chí Bùi Văn Hoan, Giám đốc sở Y tế cho biết: Ngành Y tế sẽ tập trung phấn đấu để mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay từ tuyến cơ sở. Tăng cường củng cố y tế cơ sở, trong đó tập trung các nguồn lực, phấn đấu đến hết năm 2015, tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn dưới 14%. Ngành sẽ tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa thiết bị y tế, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ y tế giỏi về chuyên môn. Bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa việc xã hội hóa công tác y tế, khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đưa các thiết bị hiện đại vào sử dụng để chẩn đoán và điều trị bệnh.

 

Từ nay đến 2015, ngoài việc duy trì các trung tâm kỹ thuật chuyên sâu đã có, cần thành lập thêm một số trung tâm: Phẫu thuật tim mạch, lồng ngực; Trung tâm hồi sức cấp cứu; Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học; Trung tâm điều trị vô sinh; Trung tâm chấn thương, chỉnh hình… Các trung tâm này sẽ nằm trong Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên và các bệnh viện tỉnh. Thu hút đầu tư để có thêm từ 5-7 bệnh viện tư nhân và doanh nghiệp Dược chất lượng cao. Từng bước xây dựng cơ sở điều trị có thể triển khai được một số kỹ thuật tiên tiến ngang bằng với một số nước trong khu vực. Song song với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, toàn ngành quyết tâm thực hiện tốt Cuộc vận động ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ Y tế, triển khai các giải pháp chống phiền hà, tiêu cực trong các cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường luân chuyển cán bộ có chuyên môn giỏi từ tuyến trên về cơ sở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.