Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2, hơn 80% các xã có đường ô tô đến tận thôn bản, tất cả các xã có trạm y tế; trình độ dân trí được nâng lên…
Sáng 4/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), tổng kết công tác dân tộc năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011.
Qua 5 năm triển khai Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương bố trí hơn 14.000 tỷ đồng thực hiện các Dự án hợp phần. Đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành đạt 100% vốn giao, vốn đã giải ngân hơn 13.000 tỷ đồng, đạt hơn 97% kế hoạch.
Chương trình đã huy động được sự tham gia của cấp ủy chính quyền địa phương, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, phát huy được ý chí sáng tạo, nguồn lực của người dân và toàn xã hội, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo mỗi năm giảm bình quân 5%, từ 47% năm 2006 nay giảm còn 28,8%.
Hơn 80% các xã có đường ô tô đến tận thôn bản, tất cả các xã có trạm y tế; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào thiểu số chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ thôn, bản có điện, nhà văn hóa, công trình thủy lợi tăng lên; đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, điều hành phát triển kinh tế ở địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Kết quả của Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 khẳng định tính đúng đắn trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Dân tộc Chính phủ cũng cho thấy một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đặc biệt là nguồn vốn từ Trung ương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc Giàng Seo Phử khẳng định: “Điểm xuất phát của những vùng này rất thấp cho nên nguồn lực đầu tư của chúng ta là hỗ trợ và đầu tư thì chưa đủ sức để làm xoay chuyển một cách mạnh mẽ ở khu vực này. Theo dự toán của chúng ta cho chương trình này trong giai đoạn 2006-2010 tổng kinh phí đầu tư cần 29.000 tỷ đồng nhưng 5 năm mới chỉ dải ngân được 14.000 tỷ đồng (đạt khoảng 50% kế hoạch)”.
Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại của Chương trình giảm nghèo quốc gia thời gian qua, Giai đoạn 3 của Chương trình 135 tập trung thực hiện một số công tác lớn trên cơ sở xác định chuẩn nghèo mới, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo; Tăng mức đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đào tạo và sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống và phát triển kinh tế xã hội vùng núi, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn./.