Nâng cao chất lượng lao động nông thôn

08:40, 10/03/2011

Là Hội xã hội nghề nghiệp, mang tính kinh tế và kỹ thuật, từ nhiều năm qua, Hội làm vườn tỉnh đã luôn coi trọng công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho hội viên, góp phần quan trọng cho việc phát triển KT-XH của địa phương. Chỉ riêng năm 2010, Hội đã liên kết với Trường Cao đẳng Thuỷ sản Bắc Ninh và Trung tâm dạy nghề & chuyển giao công nghệ Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức dạy nghề cho 510 lao động nông thôn.

 

Hiện nay, 9 huyện, thị và thành phố đều có tổ chức Hội Làm vườn hoạt động, với gần 31.000 hội viên, hầu hết hội viên đều có nhu cầu được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Trong năm vừa qua, Hội liên kết với Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương tổ chức được 3 lớp tập huấn cho hơn 100 nông dân nông dân về kỹ thuật chăm sóc một số giống cây trồng, đồng thời cung ứng được hơn 2.000 cây chuối giống và hơn 2.000 cây mít Thái Lan siêu sớm cho nông dân các huyện: Phú Bình, Định Hoá, Võ Nhai. Cùng với đó, Tỉnh Hội tiến hành triển khai chương trình khuyến viên “Vỗ béo bò thịt” cho 100 hội viên ở xã Điềm Mặc (Định Hoá). Chương trình được VACVINA và Sở Nông nghiệp & PTNT đánh giá cao. Cũng trong năm, Hội phối hợp với Ban quản lý Dự án của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) xây dựng Dự án khuyến nông ở 3 xã Nghinh Tường, Sảng Mộc, Phú Thượng (Võ Nhai) với 45 ha  trồng ổi xen quýt Bắc Sơn… Hiện các mô hình trên đang được phổ biến và nhân rộng tại cơ sở. Trong hoạt động, Hội không những mở rộng phạm vi dạy nghề cho nông dân sang các ngành phi nông nghiệp trong tỉnh, mà còn liên kết, đào tạo cho nông dân các tỉnh Bắc Giang, Bắc, Kạn và Phú Thọ, với 3 lớp đào tạo cho 90 học viên.

 

Bên cạnh đó, hội làm vườn các cấp đã phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng cơ sở mở được 4 lớp học với bậc nghề trung cấp cho 140 hội viên; 26 lớp học với bậc nghề sơ cấp cho 849 học viên; hơn 17.200 lượt hội viên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hơn 2.000 lượt người được tham gia 44 cuộc hội thảo và tham quan học tập những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; mô hình trồng nấm, trồng rừng…

 

Nói về đào tạo nghề cho nông dân, ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Cuối năm 2010, khi tổ chức lớp sơ cấp nghề "trồng trọt và bảo vệ thực vật” cho 26 nông dân xã Cúc Đường (Võ Nhai), sau khi học tập lý thuyết, chúng tôi tổ chức cho nông dân học theo nhóm, tổ tại các hộ gia đình. Trong 4 tháng học tập, nông dân được trang bị kiến thức về cách quan sát tình hình sâu bệnh, phát hiện sâu bệnh trên đồng ruộng và đưa ra biện pháp phòng trừ hợp lý; cách chiết, ghép cây ăn quả bằng phương pháp ghép mắt, ghép áp và ghép cửa sổ... Sau khoá học, hầu hết bà con phát huy được kiến thức học tập vào thực tế sản xuất, bước đầu thu được kết quả tốt trong việc phát triển kinh tế gia đình... Để các lớp đào tạo nghề cho nông dân phát huy được hiệu quả, trước khi tổ chức lớp học, Hội phối hợp với cơ sở nghiên cứu thực tế, tìm hiểu xem người nông dân cần kiến thức gì để bổ sung. và tổ chức các lớp học phù hợp với từng vùng, như ở xã Dân Tiến (Võ Nhai) mở lớp dạy nông dân nghề chăn nuôi gà thả vườn; Tân Khánh (Phú Bình) mở lớp Chăn nuôi thú y; vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) mở lớp sản xuất chè an toàn...

 

Ông Nguyễn Văn Lan, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ VACVINA nhận xét: Tuy các lớp học chuyển giao KHKT tiên tiến cho nông dân thường gói gọn trong một vụ. Nhờ phương thức đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành, nông dân áp dụng ngay vào sản xuất của gia đình, vì thế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Nông Thị Thơm, một trong 28 hội viên Hội làm vườn xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) tham gia lớp đào tạo “sản xuất và chế biến chè an toàn” năm 2010 cho hay: Trước đây tôi làm chè theo kinh nghiệm nhưng sau khi được học tập, tôi hiểu hơn về đặc điểm sinh học của cây chè, kỹ thuật thu hái, chế biến và bảo quản… Nhờ hiểu biết đầy đủ về cây chè việc sản xuất của gia đình ông chủ động hơn. Dự kiến trong năm 2011, Hội Làm vườn tỉnh mở 9 lớp trung cấp đào tạo nghề nuôi trồng thuỷ sản; trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi gà thả vườn; chăn nuôi ong; chế biến chè; chăn nuôi thú y cho hơn 350 nông dân. Hầu hết nông dân tham gia lớp học được Hội lựa chọn đều là những người có kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất, có nhu cầu được nâng cao kiến thức KHKT sản xuất, vì thế sau khi tham gia học tập, nhiều hội viên có khả năng tuyên truyền, trao đổi với bà con nông dân trong vùng về những kiến thức KHKT sản xuất mới mà mình học được để cùng áp dụng vào thực tế sản xuất. Tính đầu tháng 3 - 2011, hội các cấp đã có hơn 10.700 mô hình VAC giỏi, với mức thu nhập từ 100 triệu đồng/mô hình trở lên.

 

Cùng với đội ngũ cán bộ KHKT của tỉnh, anh chị em công tác ở Hội Làm vườn các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng lao động cho nông dân. Vì thế Hội Làm vườn tỉnh đang từng bước trở thành điểm tựa tin cậy của nông dân.