Khiêm tốn, dịu dàng, chị luôn tách bạch giữa đời tư và công việc. Với chị: Gia đình là một điểm tựa chắc chắn để chị hoàn thành trọng trách công việc Đảng, Nhà nước giao. Và cũng như bao người phụ nữ khác, ngoài giờ làm việc, chị đi chợ, nấu ăn, dạy con học… Chị thường nói vui với mọi người: Vì tôi cũng là phụ nữ. Đó là chị Nguyễn Thị Mai, người dân tộc Dao, 10 năm trước từng là đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2001-2005, hiện đang là Chủ tịch UBND huyện Phú Lương.
Sinh ra ở vùng quê "nửa đồng, nửa núi" thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, ngay từ tấm bé, chị đã có ý thức học tập, vươn lên. Chị là một trong số rất ít thanh niên người dân tộc Dao ở thị trấn Chợ Mới chịu cơm nắm, cơm gói theo thầy học chữ hết 12 năm, rồi vào học Trường Trung cấp Sư phạm 12+2. Ngày tốt nghiệp, chị về nhận công tác ở Trường THCS Bình Văn (Phú Lương). Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, chị hăng hái với các hoạt động phong trào đoàn, đội và được lãnh đạo Nhà trường đánh giá cao. Cũng từ tích cực tham gia các hoạt động phong trào, nên chị được Ban tổ chức Huyện uỷ điều động lên huyện làm Phó Bí thư Huyện đoàn, rồi Bí thư Huyện Đoàn và trở thành Đại biểu HĐND huyện. Trong công việc, chị là một trong những cán bộ nữ của huyện Phú Lương được trải nghiệm, thử thách qua nhiều thực tế khác nhau. Tháng 12-2009, chị được cấp trên tin tưởng, nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND huyện. 39 tuổi, chị trở thành một trong những cán bộ nữ trẻ nhất của tỉnh hiện nay. Chị tâm sự: Tôi luôn có suy nghĩ, động viên mình phải sống sao cho thật sự có ý nghĩa, nên trước mọi nhiệm vụ được giao, tôi đều làm việc hết trách nhiệm và hoàn thành thật tốt.
Chị khiêm tốn, giản dị, ít nói về thành tích của cá nhân, nhưng tôi biết: Cả phần đời trẻ trung của mình, chị luôn có ý thức học tập, phấn đấu và tu dưỡng bản thân. Vì thế, từ một cán bộ có trình độ chuyên môn hệ trung cấp, đến nay chị đã là cử nhân ngành Quản lý Văn hoá, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội; Bằng Cao cấp lý luận chính trị và nhiều chứng chỉ khác. Khi ngồi vào… ghế nóng (Chủ tịch UBND huyện), công việc yêu cầu Chủ tịch huyện phải quyết đáp hợp lý. Kể từ việc quy hoạch các vùng kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện của huyện, đến việc chỉ đạo cho các quan chức năng vào cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, quy hoạch các khu công nghiệp, mời gọi nhà đầu tư, xây dựng nhà 167 cho hộ nghèo, triển khai việc xây dựng nông thôn mới... Việc nào chị cũng muốn giải quyết dứt điểm để tập trung sức lực cho công việc khác. Chị tâm sự: Có phải làm Chủ tịch huyện thì cái gì cũng biết hết được đâu, nhất là ở từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Do đó tôi phải tự học hỏi, tự nghiên cứu thêm rất nhiều để không… ký nhầm khi cán bộ tham mưu chưa làm hết trách nhiệm. Có nhiều việc trong huyện khiến tôi trăn trở, suy tư, nên nhiều hôm hết giờ hành chính, tôi ngồi lại văn phòng nghiên cứu cách xử lý tới khuya vẫn chưa tìm được cách gỡ. Về nhà, nghĩ nhiều đến… cơm nuốt không xuôi, ngủ chẳng ngon giấc. Chồng tưởng ốm mới đưa vào bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết: Tôi bị rơi vào tình trạng làm việc quá căng thẳng, ăn uống không điều độ dẫn đến cơ thể bị suy nhược. Sau đó tôi có cách làm việc khoa học hơn, trước mọi công việc, tôi cân nhắc, trao đổi cùng cộng sự và tìm ra nút rối để gỡ.
Trong tuần, chị thường dành thời gian đi thực tế về cơ sở, cùng cộng sự của mình "nhảy vào chảo lửa", qua đó biết cách hạ hoả như thế nào cho hợp lý. Nhất là địa bàn huyện Phú Lương, vùng quê từ nhiều năm có "đặc sản" khiếu nại, khiếu kiện. Trước sự việc như vậy, chị đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với một số bà con, trò chuyện trao đổi tâm tư tình cảm, qua đó hiểu được nguyện vọng của bà con. Rồi phân tích phần đúng, phần sai của mỗi bên. Bằng cách làm này chị đã giải quyết được thấu tình, đạt lý. Lại nữa, trong mấy năm gần đây trên địa bàn lại xảy ra các điểm nóng về khai thác quặng, than thổ phỉ… Không ngần ngại, chị cùng cán bộ các đơn vị chức năng vào cuộc, vào tận nơi người dân đào đãi quặng để vận động mọi người trở về. Chị cho biết: Trước mỗi sự việc xảy ra, tôi tìm hiểu từ 2 phía cán bộ và người dân, xem cán bộ có lỗi ở đâu, người dân có lỗi ở đâu và giải quyết dứt điểm… Tôi đã rất buồn khi phải ký quyết định kỷ luật một số cán bộ chuyên môn dưới quyền vì lý do mắc sai phạm trong lúc làm nhiệm vụ.
Trước lúc ký một quyết định như thế, chị day dứt, suy tư và phân tích kỹ lưỡng để người mắc khuyết điểm nhận thức đầy đủ hành vi sai phạm của mình để sửa chữa. Vì thế, nội bộ huyện phát huy được tinh thần dân chủ, đoàn kết để cùng nhau "chèo lái con tàu" Phú Lương sang bến bờ no ấm. Hơn thế nữa, những vụ khiếu kiện, khiếu nại của công dân được giải quyết công khai, thấu tình đạt lý, bà con nhân dân giảm dần bức xúc, không tụ tập, kéo nhau lên huyện như trước đây, mà chấp hành theo trình tự quy định của pháp luật. Hỏi về kinh nghiệm giải quyết điểm nóng, chị tâm sự: Tôi hơn các đấng nam nhi ở đức tính dịu dàng mà tạo hoá ban cho phụ nữ. Vì thế nhiều khi "ngồi trên lửa", tôi biết kiềm chế bức xúc, tự trấn an làm dịu lòng mình. Còn khi hỏi về đời tư, chị tự hào: Hết giờ làm việc, tôi là một người vợ, người mẹ của 2 đứa con ngoan, là con dâu trong gia đình. Vào cuối giờ làm việc hằng ngày, tôi đi chợ, nấu ăn. Ngày nghỉ cuối tuần tôi cùng chồng con về thăm nội, ngoại.