Xây dựng nông thôn mới: Bắt đầu từ nhận thức

08:00, 11/03/2011

Phú Bình là huyện thuần nông với gần 80% lực lượng lao động làm nông nghiệp, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn nhiều yếu kém, thu nhập bình quân đầu người khá chênh lệch so với bình quân chung của cả tỉnh. Do vậy, vấn đề xây dựng nông thôn mới (NTM) được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm.

 

Không ít thách thức…

 

Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM bao gồm 19 tiêu chí (theo Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng). Mỗi tiêu chí đều có một hoặc nhiều nội dung, mỗi nội dung đều có chỉ tiêu chung và các chỉ tiêu riêng cho từng vùng, miền, ngành, lĩnh vực. Đây là những điểm được cụ thể hóa, làm căn cứ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, chỉ đạo việc thực hiện thí điểm mô hình NTM tại các địa phương cũng như kiểm tra, đánh giá các xã, huyện, tỉnh đạt NTM.

 

Căn cứ vào 19 tiêu chí đã được ban hành, cuối tháng 8-2010, huyện Phú Bình đã hoàn thành việc điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn. Kết quả cho thấy, trong số 20 xã trên địa bàn huyện, xã cao nhất đạt 8 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 1 tiêu chí, (về an ninh, trật tự xã hội). Một số nội dung của từng tiêu chí các xã đạt thấp như: Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa của toàn huyện chỉ đạt 38,93/389 km, bằng 10%, trong đó có một số đoạn đường tuy đã được xây dựng nhưng đang bị xuống cấp; huyện cũng chưa có một km đường trục chính nội đồng nào được cứng hóa trong tổng số 321 km yêu cầu; chỉ có 5/13 chợ nông thôn đạt chuẩn của Bộ Xây dựng…

 

Chưa kể, thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2010 mới chỉ đạt 9 triệu đồng/năm (còn kém 11,8 triệu đồng so với tiêu chí); tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 18% và có sự chênh lệch giữa các xã, cao nhất là trên 32%, thấp nhất là gần 11%. Toàn huyện có 248/315 xóm có nhà văn hóa, trong đó chỉ có 69 nhà văn hóa đạt tiêu chí. Khó khăn càng chồng chất khi quỹ đất dành cho xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao ở một số xã, thôn đạt quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khá hạn hẹp, bởi lẽ trước đây các xã chưa có quy hoạch đất dành cho việc này. Cũng theo báo cáo điều tra, có tới 7 tiêu chí mà tất cả các xã trên địa bàn huyện đều chưa đạt, đó là tiêu chí: Giao thông; cơ sở vật chất văn hóa; thu nhập; hộ nghèo; môi trường; hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.

 

Tránh cách nghĩ lệch lạc

Trong qua trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được tiếp xúc, trao đổi về vấn đề xây dựng NTM với nhiều cán bộ và người dân các xã trên địa bàn huyện, trong đó có ông Trần Văn Tuận, một nông dân ở xóm Ngò, xã Tân Khánh. Khi được hỏi về xây dựng NTM, ông Tuận nói: “Bây giờ Nhà nước đầu tư mạnh lắm, nhiều công trình đã được xây dựng. Tôi có nghe đài, xem tivi, được nghe người ta nói nhiều về xây dựng NTM. Tôi nghĩ chắc chắn tới đây, để xây dựng NTM, Nhà nước sẽ còn tiếp tục đầu tư hơn nữa đối với địa phương chúng tôi”. Đây chính là cách hiểu không chỉ của nhiều người dân mà cả một bộ phận cán bộ, đảng viên về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Hiểu như vậy là chưa đầy đủ và toàn diện. Bởi, người ta chỉ quan niệm rằng xây dựng NTM là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, tức là xây dựng “điện, đường, trường, trạm”, còn còn các nội dung khác thì cách hiểu khá mờ nhạt.

 

Qua đây, có thể thấy công tác tuyên truyền về các nội dung xây dựng NTM trong thời gian qua chưa được triển khai đúng đắn, sâu rộng trong nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều cán bộ chưa thấy được xây dựng NTM thực chất là một cuộc vận động lớn, được chuẩn bị và triển khai bài bản, nhằm tạo bộ mặt mới cho nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và không ai khác chính nông dân vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể của cuộc vận động này. Xây dựng NTM cũng không phải là các công trình, dự án được đầu tư mà phải dựa vào nội lực của cộng đồng ngay tại từng địa phương, phải để cho người dân tự quyết định, tự bàn bạc và lựa chọn những công việc có ý nghĩa cấp thiết đối với địa phương mình để thực hiện trước. Cũng chính vì cách hiểu chưa đúng nên một số cán bộ cấp cơ sở vẫn còn tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ỷ lại, trông chờ vào “trên” (hay nói cách khác là nhà nước).

 

Vấn đề xây dựng NTM ở Phú Bình đang đứng trước nhiều thách thức, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân để thực hiện. Đồng chí Hoàng Thanh Giao, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện cho biết: Thời gian tới, cùng với tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tới mọi tầng lớp nhân dân, trong đó thường xuyên cập nhật, đưa tin các mô hình, các điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, những sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM trong và ngoài tỉnh để phổ biến, nhân rộng các mô hình này tại địa phương, đồng thời phát động các phong trào thi đua phát triển sản xuất, góp phần xây dựng NTM thông qua các tổ chức, đoàn thể nhằm tạo sự thống nhất “từ ý chí đến hành động” để thực hiện thành công cuộc vận động lớn này.