Nhiều biện pháp góp phần thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ

14:16, 26/08/2011

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sinh trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã đạt mức sinh thay thế. Do đó, quy mô dân số của thành phố đã ổn định, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

 Để có kết quả trên hàng năm cùng với việc tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở quan tâm đầu tư. Các văn bản, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ được triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh chỉ đạo các địa phương xây dựng chiến lược phát triển DS-KHHGĐ, tập trung đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở nhằm chủ động thực hiện tốt các khâu dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản theo mục tiêu “đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển bền vững”. Củng cố bộ máy công tác dân số từ thành phố đến các xã, phường. 100% xã, phường của thành phố đã có trạm y tế, trong đó có nhiều trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế, 28 cán bộ DS-KHHGĐ chuyên trách và 700 cộng tác viên (CTV) dân số - KHHGĐ ở 100% xóm, tổ dân phố.

 

Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra, Trung tâm DS-KHHGĐ T.P Thái Nguyên luôn chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương đa dạng hóa công tác tuyên truyền như: Tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền bằng hình thức truyền thông lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt đoàn, đội, hội, trong các buổi họp ở các khu dân cư, các tổ chức đoàn thể. Đặc biệt, tham mưu với chính quyền địa phương đưa nội dung công tác DS-KHHGĐ là một trong những nội dung xây dựng hương ước, quy ước xây dựng gia đình văn hóa, xóm, tổ dân phố văn hóa. Mặt khác, tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ CTV dân sô - KHHGĐ ở cơ sở nhằm giúp họ có khả năng tuyên truyền tốt nhất. Với phương châm tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trong đó chú trọng đến các cặp vợ chồng sinh con một bề, đội ngũ CTV luôn bán sát các khu dân cư đểnắm bắt nguyện vọng, tìm hiểu thực tế, đến từng hộ gia đình trong độ tuổi sinh đẻ giúp họ nâng cao nhận thức về chính sách DS-KHHGĐ với việc phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền hàng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố còn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành tổ chức tốt các đợt truyền thông về DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. 

 

Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố có 44.659 phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, tỷ lệ phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 70%. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2010 và giảm tỷ suất sinh thô là 0,1 phần nghìn. Cùng với thực hiện tốt các chỉ tiêu KHHGĐ, Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố còn thường xuyên phối hợp với trung tâm y tế, trạm y tế các xã, phường tổ chức các đợt tiêm vắc-xin cho phụ nữ mang thai, đạt 100%...

 

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của thành phố còn gặp không ít khó khăn bởi tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2010, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của thành phố là 113/100 bé gái. Do đó cần sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền địa phương để nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2011, nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ do tỉnh giao chậm cũng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án; một số cán bộ chuyên trách thiếu nhiệt tình, chán nản… Đồng chí Bùi Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố cho biết: Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số của T.P Thái Nguyên luôn xác định công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi địa phương và của đất nước quy mô dân số phù hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, dự án nhằm nâng cao chất lượng dân số, quy mô dân số như: Dự án truyền thông thay đổi hành vi; Dự án Nâng cao chất lượng thông tin và quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ; Đề án quốc gia về DS-KHHGĐ… Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức xã hội và từng gia đình về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước…