Điện về sáng bản vùng cao

13:45, 08/09/2011

Lân Đăm là xóm người Mông của xã Quang Sơn (Đồng Hỷ). Cả xóm chỉ có 12 hộ dân với 79 nhân khẩu sống rải rác trên các sườn đồi. Chưa đầy 1 năm về trước, bà con nơi đây còn chưa hề biết đến ánh sáng của điện, nhưng bây giờ, khi màn đêm buông xuống, xóm Lân Đăm đã trở nên ấm áp hơn nhờ có điện lưới Quốc gia.

Chiếc xe máy ì ạch “bò” lên những đồi, dốc cheo leo đưa chúng tôi đến xóm Lân Đăm vào một ngày cuối tháng 8. Đứng từ trên đỉnh núi ngắm nhìn hàng cột điện mới, băng qua những ngọn núi cao, qua những con suối để “cõng” điện đến cho bản người Mông, chúng tôi phần nào cảm nhận được sự đổi thay ở xóm vùng cao này. Đồng chí Nguyễn Văn Thảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết: Khoảng năm 1976, khi vùng đất này còn là những quả đồi trọc, không có người ở thì người Mông ở Hà Quảng (Cao Bằng) đã về đây định cư tìm kế sinh nhai. Sau những ngày đầu vất vả khai hoang, đến nay, cuộc sống của bà con đã dần ổn định và nơi đây trở thành quê hương thứ hai của họ. Tuy nhiên, hơn 30 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, các hộ dân này vẫn phải sống trong cảnh “đèn dầu”, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của người dân trong xóm. 100% hộ dân ở đây hiện vẫn là hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu vào cây ngô, cây sắn. Tuy nhiên, do không có nước tưới nên chỉ khi nào trời cho mưa thuận, gió hòa thì năng suất ngô, sắn mới cao. Nếu được mùa thì trung bình mỗi nhà thu được từ 1,5 đến 2 tấn ngô, 1 tấn sắn/năm để làm thức ăn và chăn nuôi hoặc bán lấy tiền để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, còn nếu mất mùa thì hầu như nhà nào cũng phải chịu cảnh thiếu ăn từ 1 đến 2 tháng/năm. Ngoài trồng trọt, bà con nơi đây cũng đã bắt đầu tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng số lượng còn rất khiêm tốn, từ 2-3 con trâu, bò và khoảng gần chục con gà/hộ. Vì mải lo cái ăn nên việc học hành của trẻ em chưa được người lớn chú trọng, thêm vào đó là sự khó khăn trong việc đi lại. Hiện tại, ở xóm mới có một Phân trường Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3, muốn học cao hơn, các em phải đi bộ qua quãng đường đồi quanh co dài hơn 4km với nhiều dốc cao lởm chởm đá. Vì vậy, phần lớn các em chỉ học lên đến bậc THCS là ở nhà đi làm hoặc lấy vợ, lấy chồng, cả xóm hiện chưa có em nào học lên đến bậc THPT. Sống chung với cái đói, cái nghèo nên bà con ở đây có nhiều mơ ước để mong cải thiện được đời sống, đặc biệt là về nguồn điện thắp sáng. Khi nguồn vốn của Chương trình 135, giai đoạn II được đưa về xã thì mơ ước của bà con đã trở thành hiện thực. Dự án xây dựng đường điện 0,4 kV, dài 1.116m dây với tổng trị giá trên 200 triệu đồng được hoàn thành vào đầu năm nay đã làm cho cuộc sống của bà con người Mông có nhiều đổi thay. Các hộ dân trong xóm đều đã được sử dụng điện lưới; cả xóm có 8 nhà mua được đài, vô tuyến để nắm bắt thông tin; một số nhà sắm được cả đầu video, quạt điện, nồi cơm điện để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày; trẻ em học ở Phân trường đã không còn chịu cảnh nóng bức, tối đến đã có điện để học bài; bà con ở Lân Đăm giờ cũng bắt đầu ý thức được việc kế hoạch hóa gia đình để giảm bớt đói nghèo và có điều kiện nuôi dạy con cái; biết vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia súc để phòng ngừa dịch bệnh…

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống của bà con, chúng tôi đã đến nhà anh Lý Văn Ló, Trưởng xóm Lân Đăm. Ở một đỉnh dốc cao, ngôi nhà gỗ xinh xắn còn tươi màu sơn của gia đình anh nổi bật trên nền xanh thẫm của núi rừng. Vừa vào đến sân, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ bên trong. Trên chiếc giường kê sát góc nhà của gia đình anh, mấy đứa trẻ đang ngồi xem chương trình dành cho thiếu nhi. Thấy có người lạ, chúng đưa mắt liếc trộm chúng tôi rồi lại chăm chú nhìn vào màn hình. Người trưởng xóm năm nay mới 28 tuổi nhưng đã giữ chức vụ này được 2 khóa nhanh nhẹn pha nước mời khách, và trò chuyện: Mình đi nhiều nơi nhìn mọi người được sử dụng cái điện mà thấy thèm lắm. Nay được nhà nước quan tâm đã cho cái điện, bà con mình vui lắm. Cuộc sống của người Mông chắc chắn sẽ sung túc hơn ngày trước. Có điện rồi, nhiều nhà mua ti vi để được sáng cái đầu và học cách làm ăn, trẻ con cũng có điều kiện học hành tốt hơn.

 

Chia tay bà con ở Lân Đăm khi trời nhá nhem tối, nhìn những ngôi nhà ấm áp ánh đèn, hình dung ra đôi mắt trong veo, hồn nhiên của những em bé học bài dưới ánh sáng điện lung linh, chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để qua đó rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, để người dân vùng cao không còn phải lo thổi lửa, thắp đèn mỗi khi đêm xuống.