Góp thêm sức trẻ vì cuộc sống cộng đồng

09:33, 14/09/2011

Với 60 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, Hội Hành trình xanh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động vì cuộc sống cộng đồng…

Hội Hành trình xanh Thái Nguyên (HTXTN) là tổ chức hoạt động xã hội được thành lập vào tháng 4-2010, trực thuộc tổ chức Hành trình xanh Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được Hội tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 60 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn với mong muốn góp thêm sức trẻ vì cuộc sống cộng đồng…

 

Mặc dù đã nghe nhiều về Hội HTXTN thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thế nhưng phải đến giữa tháng 8 vừa qua, thời điểm chương trình “Nồi cháo từ thiện” trong tháng được tổ chức tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ các thành viên trẻ trung, năng động của Hội, để hiểu hơn về những hoạt động đầy ý nghĩa mà tổ chức này thực hiện thời gian qua. Được biết, “Nồi cháo từ thiện” là chương trình do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Hội HTXTN tổ chức nấu và phát miễn phí mỗi tháng một lần cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên, trong đó Hội Chữ thập đỏ tỉnh là đơn vị “chủ chi”, Hội HTXTN tổ chức thực hiện. Nguyễn Khánh Triều, sinh viên Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) là thành viên tham gia Hội ngay từ những ngày đầu, giới thiệu với chúng tôi khá rành rọt về từng loại thực phẩm và cách chế biến để nồi cháo ngon nhất. Triều cho biết: Để nấu được một bữa cháo từ thiện phục vụ 150 suất ăn, các loại nguyên liệu gồm 3kg xương ống, 2kg thịt xay, 1kg gạo nếp, 2kg gạo tẻ… được chúng em chuẩn bị từ chiều hôm trước. Sau đó, cả nhóm ngủ lại bệnh viện để đến 2 giờ sáng bắt đầu ninh xương, tạo độ ngọt cho nước, rồi mới cho gạo và gia vị vào. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ trên bếp than hồng, nồi cháo thơm ngậy đã sẵn sàng phục vụ “thực khách”. Khoảng 6 giờ sáng, thời điểm tổ chức phát cháo tại nhà ăn bệnh viện, tất cả thành viên đều rất tự giác, ai vào việc nấy, từ khâu đón tiếp đến phục vụ đều được các bạn thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và chuyên nghiệp. Cụ Nguyễn Văn Lược, 81 tuổi ở Vạn Thọ (Đại Từ), một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện vui mừng, không ngớt lời khen ngợi các bạn trẻ: Cháu nào cũng rất ngoan ngoãn, lễ phép, phục vụ rất tận tình. Việc làm này đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để chống lại bệnh tật. “Nồi cháo từ thiện” thật ý nghĩa!

 

Ngoài chương trình này, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động khác. Mới đây nhất là chương trình tình nguyện tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) trong hai ngày 27 và 28-8. Tại đây, ngoài tặng quà, Hội còn tham gia lao động giúp trường mầm non của xã xây dựng sân chơi chuẩn bị cho năm học mới; tham gia lao động sản xuất, giúp đỡ gia đình nạn nhân chất độc da cam... Chúng tôi có mặt tại nhà ông Nông Văn Đề, xóm Tướng Quân, xã Hóa Thượng, gia đình nạn nhân chất độc da cam khi các tình nguyện viên cùng thanh niên địa phương đang xới xáo, làm cỏ, chăm sóc cho 3 sào ngô của gia đình ông Đề. Dưới cái nắng chói chang, những chiếc áo xanh tình nguyện ướt đẫm mồ hôi. Những bàn tay trắng trẻo, ít quen với công việc đồng áng bỗng trở nên thành thạo, nhanh nhẹn lạ thường, ai nấy đều hăng say làm việc trong tiếng cười đùa náo nức. Gạt những giọt mồ hôi đẫm trên khuôn mặt, Trần Thị Chang, sinh viên năm thứ 3, Đại học Nông lâm Thái Nguyên chia sẻ: Do kinh phí hạn hẹp nên tất cả 50 thành viên tham gia đợt tình nguyện này đã đóng góp mỗi người 60 nghìn đồng, trong đó 20 nghìn đồng được trích ra để mua 5 suất quà, cho học sinh nghèo học giỏi, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng, 40 nghìn đồng còn lại là tiền ăn của mỗi người trong 2 ngày tình nguyện. Số tiền không lớn nhưng đó là “khoản” mà chúng em tiết kiệm được, hy vọng sẽ sẻ chia một phần khó khăn với những học sinh nghèo. Chúng em cũng muốn tận dụng những ngày nghỉ của mình để làm những việc có ích cho xã hội, vừa có thêm vốn sống. Chính với suy nghĩ này, trong kì nghỉ hè vừa qua, Chang là một trong 1.000 tình nguyện viên tham gia chương trình “Đi bộ xuyên Việt - Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” từ 2-7 đến 12-8 do Hội Hành Trình xanh Việt Nam tổ chức.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tuy đến từ nhiều đơn vị, nhà trường khác nhau nhưng các thành viên của Hội rất đoàn kết. Hội có điều lệ hoạt động với những quy định chặt chẽ, tất cả thành viên đều nêu cao tinh thần tình nguyện, muốn đóng góp thật nhiều cho cộng đồng với phương châm hành động: “Đoàn kết cộng đồng - Chia sẻ nỗi đau - Giúp đỡ người nghèo-Bảo vệ môi trường - Thắp sáng niềm tin”. Nhờ những nỗ lực của từng thành viên mà sau hơn 1 năm thành lập, Hội đã tự tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hàng chục chương trình, tiêu biểu như: chương trình tình nguyện tại các xã Quân Chu (Đại Từ), Tân Đức (Phú Bình); tuyên truyền bảo vệ môi trường (thu gom rác thải tại khu du lịch hang Phượng Hoàng (Võ Nhai); đạp xe tuyên truyền về bảo vệ môi trường, quét dọn vỉa hè, bóc tờ rơi, ap-phich, bang-zon tại T.P Thái Nguyên trong Ngày Môi trường Thế giới (5-6)); vận động ủng hộ người nghèo, đồng bào vùng lũ lụt... Cùng với việc tham gia tích cực các hoạt động xã hội, các thành viên của Hội còn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. Có nhiều bạn đạt thành tích cao, là cán bộ đoàn, hội năng động của các trường... Tâm sự với chúng tôi, Trịnh Văn Hòa, sinh viên Đại học Kĩ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), Chủ tịch Hội HTXTN cho biết: Hiện tại, Hội đang hoạt động dưới sự bảo trợ của Viện Nghiên cứu Văn hóa Phương Đông thuộc Hội khoa học Đông Nam Á - Việt Nam. Thế nhưng, hoạt động của Hội vẫn chưa hết khó khăn, trong đó nguồn tài chính hạn chế là rào cản lớn nhất. Hầu hết các chương trình được tổ chức đều dựa trên số tiền ít ỏi mà các thành viên của Hội đóng góp. Hòa mong muốn, sẽ có nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm, hỗ trợ để hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả, để góp thêm sức trẻ vì cuộc sống cộng đồng.