Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn ít nhất 1 - 2 ngày nữa; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, tính đến 17h chiều 11/9, toàn tỉnh có tới 5.776 ha lúa mùa đang trong giai đoạn trổ bông bị ngập nặng, có khả năng mất trắng; gần 900 ha ngô, lạc bị ngập, hư hại, hơn 112 ha mía bị ngã đổ, gần 300 ha hoa màu các loại bị ngập úng; 6 hồ đập bị tràn; hơn 7.500 m3 đê điều bị sạt lở; hàng ngàn mét khối đất đá trên các tuyến giao thông nông thôn bị cuốn trôi…
Ước tính thiệt hại lên tới trên 200 tỉ đồng. Nước lũ tràn qua Quốc lộ 1A, đoạn gần cầu Hang, thuộc địa phận xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, khiến việc lưu thông qua khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An: Tính đến 17h chiều 11/9, liên tục trong các ngày qua từ ngày 8 – 11/9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên ở Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Hậu quả đã làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị ngập chìm trong nước, nhiều nơi đã sạt lở chia cắt giao thông như: Sạt lở ta luy làm ách tắc giao thông các vị trí trên đoạn Km129 - Km180 trên Quốc lộ 7 đoạn qua địa bàn xã Tam Quang, Khe Nần, Tam Thái, Lưu Kiền (huyện Tương Dương).
Sạt lở, ngập lụt tắc giao thông tại các vị trí Km90 - Km 91 trên Quốc lộ 48 C thuộc địa bàn bản Cạp Chạng, xã Yên Hòa, Yên Thắng (huyện Tương Dương). Cầu Dinh và cầu Hiếu trên Quốc lộ 48 nước ngập sâu hơn 1 m, gây ách tắc giao thông. Tỉnh lộ 545 từ huyện Tân Kỳ đi huyện Nghĩa Đàn và đường 598 (huyện Quỳ Hợp) cũng bị ngập chìm trong nước, giao thông chia cắt. Tại thành phố Vinh trong các ngày qua cũng liên tục xảy ra tình trạng các tuyến đường ngập nước.
Ngay sau các cơn mưa, lũ trên hệ thống sông Cả đang lên. Trước diễn biến thời tiết đang hết sức phức tạp, Sở Giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để tiến hành cắm tiêu, cử người trực và phân luồng đảm bảo giao thông.
Tại Bình Thuận, mưa lớn đã khiến lũ trên sông Phan và sông Dinh lên nhanh, vượt báo động 3 lần lượt là 0,75 m và 1,05 m, làm ngập 140 căn nhà, 293 ha lúa, 358 ha hoa màu và sạt lở 800 m kênh mương thủy lợi, 100m đường giao thông tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và La Gi.
Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn ít nhất 1 - 2 ngày nữa. Lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục lên nhanh, các địa phương cần chủ động đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, đồng bằng.
Tại ĐBSCL, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới lũ sẽ lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2./.