Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội, tệ nạn xã hội tại huyện Phổ Yên cũng nảy sinh và có diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn sử dụng trái phép các chất ma túy. Tuy nhiên, việc phòng chống ma túy ở Phổ Yên lại chưa được chính quyền quan tâm đúng mức nên nhiều đối tượng nghiện ma túy vẫn tự do ở ngoài xã hội, gây mất an ninh trật tự và nhiều vấn đề xã hội khác…
Hiện trên địa bàn huyện Phổ Yên có 460 đối tượng nghiện ma túy (có hồ sơ quản lý của công an địa phương) nhưng số chỉ tiêu đối tượng nghiện ma túy được tổ chức cai nghiện tập trung theo các hình thức chỉ là 150 người. Trong đó cai nghiện tập tại Trung tâm Chữa bệnh Lao động xã hội huyện 60 người, Trung tâm Chữa bệnh Lao động xã hội của tỉnh 20 người, còn lại là cai nghiện tại Trạm Y tế cấp xã. Số đối tượng nghiện ma túy được cai nghiện tập trung đã ít nhưng hiện vẫn có tới 18 đối tượng phải đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh Lao động xã hội huyện Phổ Yên trong năm nay vẫn chưa đưa đến được.
Số đối tượng nghiện ma túy còn ở tự do ngoài xã hội lớn nên đã gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, lây lan nhiều loại bệnh tật nguy hiểm. Mới đây chúng tôi có chuyến công tác tại xã Thành Công, trên tuyến đường liên xã từ thị trấn Bắc Sơn đi xã Thành Công, có một nhóm đối tượng nghiện ma túy ngang nhiên dùng cây chắn đường yêu cầu người tham gia giao thông dừng lại để xin tiền (người đi xe máy 10 nghìn đồng, người đi xe ô tô 20 nghìn đồng). Số đối tượng nghiện ma túy ở ngoài xã hội không chỉ là căn nguyên gây ra nạn trộm cắp mà còn là điều kiện, cơ hội để tội phạm buôn bán trái phép các chất ma túy tồn tại, phát triển…
Lý do dẫn đến công tác phòng chống ma túy ở huyện Phổ Yên chưa hiệu quả là sự phối hợp giữa công an địa phương, chính quyền cấp xã với ngành Lao động – Thương và Xã hội huyện thiếu chặt chẽ. Do vậy, nhiều đối tượng nghiện ma túy đã có danh sách phải đi cai nghiện bắt buộc trong năm 2011 này nhưng chưa đưa được vào các trung tâm. Hạn chế hơn nữa là Trung tâm Chữa bệnh Lao động xã hội huyện Phổ Yên đã quá xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu cai nghiện tập trung thường xuyên cho 100 đối tượng theo kế hoạch huyện đã đề ra. Cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp nên ngoài việc không cai nghiện tập trung được nhiều đối tượng mà những đối tượng nghiện ma túy đã đưa được vào đây cũng thường xuyên đào tường để trốn ra ngoài. Ông Đoàn Huy Định, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Lao động xã hội huyện Phổ Yên thông tin: “Đơn vị chúng tôi hiện nay vô cùng khó khăn vì cơ sở vật chất không đảm bảo, nên không thể tăng số đối tượng cai nghiện ma túy tập trung lên 100 người theo chỉ đạo của huyện. Thêm nữa là phương tiện để tạo việc làm hỗ trợ điều trị, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống cho học viên cũng gần như không có. Từ những khó khăn trên, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng của huyện, của tỉnh sớm quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và tiếp tục tạo điều kiện để đơn vị được cấp hoặc vay vốn đầu tư sản xuất gạch, làm đồ mộc…”.
Theo Nghị quyết của HĐN tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2006-2011), mỗi năm các địa phương trong tỉnh cần dành 10% số tiền thu được từ tài nguyên đất để đầu tư cho công tác phòng ma túy, nhưng thực tế các địa phương trong tỉnh nói chung, huyện Phổ Yên nói riêng vẫn chưa làm được điều này. Vẫn biết nguồn ngân sách eo hẹp nên các địa phương trong tỉnh phải cân đối cho nhiều lĩnh vực, nhưng nếu tệ nạn xã hội không được tập trung giải quyết sẽ dẫn tới kinh tế phát triển không ổn định, nguy hiểm hơn là xã hội mất ổn định, thiếu an toàn. Công tác phòng chống chống tệ nạn ma túy vô cùng khó khăn, phức tạp nên nếu không được tạo điều kiện thuận lợi thì những người làm chuyên môn trong lĩnh vực này dù có cố gắng, nỗ lực đến mấy cũng chỉ là “múa tay trong bị”…