Tìm trà Thái trên dải đất hình chữ “S” thân thương

08:24, 12/09/2011

Không lâu nữa, Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất sẽ được diễn ra tại Thái Nguyên - mảnh đất nổi tiếng của Trà. Hoạt động này một lần nữa tôn vinh, quảng bá về Trà nói chung, đặc biệt là Trà Thái Nguyên - sản phẩm mang đến cho bạn bè, du khách khắp mọi miền cảm giác đậm đà, ngây ngất, khó quên ngay từ những lần đầu tiên thưởng thức. Để hiểu Trà Thái đến với mỗi miền của Tổ quốc bằng cách nào và sự tiếp nhận trà Thái trong văn hóa ẩm thực của bạn bè gần xa, chúng tôi đã có cuộc hành trình tìm Trà Thái trên dải đất Việt Nam hình chữ “S” thân thương!

Với Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến

 

Trong sự náo nhiệt của chốn Hà Thành thời kinh tế mở, chúng tôi vẫn bắt gặp không gian tĩnh lặng, tao nhã của người dân Hà Thành bên chén Trà Thái trên phố Văn Cao. Tại đây, quán trà số 85 được ông chủ Nguyễn Văn Chinh xây dựng đã được nhiều năm, thu hút rất đông khách. Ông Chinh là người đã từng học tập ở Trung Quốc và có hàng chục năm tiếp xúc với Trà Đạo ở đất nước này. Say mê với văn hóa ẩm thực tao nhã, khiến ông đã dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, cách thức pha chế và mở quán bán trà tại Thủ đô Hà Nội với phong cách Trà Đạo. Ông cho biết: “Trà Thái Nguyên rất ngon. Khách đến đây thưởng thức trà đều yêu cầu pha trà Thái Nguyên. Qua Festival này, nếu chúng ta xây dựng Trà Thái Nguyên thành Trà Đạo Việt Nam thì tốt quá. Đây là hướng đi đúng, khẳng định vị thế Trà Thái Nguyên, khẳng định nét sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam với thế giới…”

 

Cũng say mê như ông Chinh, chị Phùng Ngọc Hoa, ở Vạn Phúc, Ba Đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để mở quán Trà Đạo. Chị Hoa đã trực tiếp sang Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc và một số nước khác để tìm hiểu phong cách pha và thưởng thức trà. Chị đã tận tay mua những dụng cụ pha chế trà từ các nước để đem về phục vụ khách. Chị bảo: “Đây là nét sinh hoạt văn hóa ẩm thực đặc biệt đã đi vào tiềm thức của người dân đất Việt. Thưởng thức trà là nghệ thuật, không ồn ã mà thanh tao. Tôi sẽ làm hết mình để giữ gìn, phát huy nét văn hóa ấy ngay tại Thủ đô ngàn năm văn hiến này.”

 

 Ông Mai Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Triệu, địa chỉ số 16 Lò Đúc (Hà Nội) kiểm tra sản phẩm chè Thái Nguyên thương hiệu Phương Thảo trước khi chào bán tại cửa hàng.

 

Đó là chuyện của người mở quán bán trà. Còn chuyện của người Hà Nội kinh doanh chè cũng rất đặc biệt. Chúng tôi đi một vòng quanh phố Lò Đúc, tìm gặp ông Mai Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Triệu. Hiện nay, Công ty của ông có 4 cửa hiệu bán chè Thái Nguyên ở Hà Nội. Bình quân mỗi ngày Công ty tiêu thụ được 1 tạ chè khô. Nét đặc biệt nhất là ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua đất, gây dựng trang trại rộng hàng héc ta để trồng chè ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ. Ông cho biết: “Vì yêu chè Thái Nguyên, nên đã dồn hết tâm huyết, tiền bạc với nó. Việc xây dựng trang trại trồng chè là để mở hướng làm ăn lâu dài và bền vững”.

 

Có thể khẳng định ở bất cứ quán bán đồ uống, tạp hóa và những cửa hiệu kinh doanh nào ở Hà Nội, chúng ta rất dễ để tìm thấy Trà Thái. Trà Thái Nguyên đã đi vào tiềm thức của người dân, là nét sinh hoạt văn hóa tao nhã không thể thiếu trong đời sống của người dân Thủ đô.

 

Hành trình vào Nam

 

Ngay sau khi dời Thủ đô Hà Nội, chúng tôi khẩn trương cho hành trình vào miền Nam tìm Trà Thái. Có mặt ở Sân bay Quốc tế Nội Bài sớm hơn 2 tiếng đồng hồ so với quy định để có thời gian tác nghiệp. Tại đây, Trung tâm Dịch vụ Thương mại hàng không có hàng chục gian hàng bán tạp hóa tổng hợp hầu hết đều bán chè Thái với đủ nhãn hiệu: Tân Cương Thái Nguyên, trà xanh Thái Nguyên Việt Nam, Tri Âm Trà… của các tập đoàn, công ty có thương hiệu lớn trong nước sản xuất. Chị Nguyễn Thị Yến, nhân viên bán hàng tại cửa hàng Bách hóa Cánh B cho biết: “Có rất nhiều khách trong và ngoài nước tìm mua chè Thái Nguyên. Họ mua để uống, để làm quà. Bình quân mỗi ngày cửa hàng bán được 5-10 kg chè cho du khách…”

 

Sau gần 2 giờ trên máy bay chúng tôi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất - Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 15 giờ. Cái nắng nóng và nhịp sống náo nhiệt của mảnh đất phương Nam khiến chúng tôi cảm thấy không khí ngột ngạt. Chưa kịp tìm phòng nghỉ, ngay lập tức chúng tôi lại đi “săn” chè Thái trên đất Sài Gòn phồn hoa. Cánh lái taxi ở T.P Hồ Chí Minh rất thông thạo và tỏ rõ thái độ mến mộ chiều khách. Đặc biệt khi biết chúng tôi là nhà báo từ miền Bắc vào thì họ càng nhiệt tình. Họ dẫn chúng tôi tới các cửa hiệu kinh doanh ở quận nhất, quận 3, Tân Bình, Gò Vấp… rồi chợ Bến Thành, quán bán nước, bán trà nổi tiếng. Tại các địa điểm ấy, chỗ nào chúng tôi cũng thấy chè Bắc - chè Thái Nguyên. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là trên đại lộ Cộng Hòa, quận Tân Bình có hàng chục điểm bán chè Bắc - chè Thái Nguyên được bày bán ngay trên vỉa hè. Chè được bỏ vào túi giấy, bên ngoài bọc một lớp nilon rất đơn sơ, mộc mạc. Trên mỗi bịch chè được viết những dòng chữ rất chân quê: “Trà đặt Thái Nguyên, thơm ngon, ngọt hậu, nước xanh”; “trà móc câu, nước xanh, ngọt hậu”; “trà siêu hạng, nước xanh, ngọt hậu”… Tất cả như mời gọi người dân phương Nam hãy đến với vị ngọt hậu của Trà Thái.

 

 
Những lúc rảnh rỗi ông Phạm Ngọc Trác (ngồi giữa), ở 636/8, Trương Công Định, T.P Vững Tàu và những người bạn thường xuyên ngồi thưởng trà.

 

Ông Vũ Huy Ngọc chuyển từ Nam Định vào T.P Hồ Chí Minh sinh sống được 16 năm cho biết: “Trà Thái đã và đang ngấm dần vào văn hóa ẩm thực của người dân miền Nam. Trước đây, phần lớn chỉ có người miền Bắc vào công tác, sinh sống ở miền Nam mới dùng trà Bắc. Nhưng dần dần, mùi hương thơm, nước xanh, vị ngọt hậu của trà Thái đã lôi cuốn được người miền Nam. Họ bảo, đã dính với nó, khó mà dứt ra được. Đi đâu, làm gì cũng phải có chén trà Bắc cho tinh thần sảng khoái…”

 

Đêm Sài Gòn lung linh ánh điện, nhịp sống náo nhiệt nơi phồn hoa khiến chúng tôi như lạc vào thế giới khác. Trên đại lộ Phạm Ngũ Lão ở quận Nhất, đúng là Sài Gòn “sống” về đêm như nhiều người vẫn thường bảo. Vũ trường CRAZY BUFFALO, tiếng nhạc rung đến tức ngực, những thanh niên Việt Nam và ngoại quốc quấn lấy nhau hò hét. Nhà báo Hoàng Hưng lần đầu tiên được vào vũ trường, bảo với tôi – nơi này lấy đâu ra trà Thái hả anh? Mình mà hỏi, có khi họ lại cho là nhà quê! Thay câu trả lời, tôi gọi bồi bàn cho ly trà Bắc Thái Nguyên. Dạ, xin quý khách đợi một lát có ngay - người bồi bàn đáp. Chúng tôi nhâm nhi ly trà Thái trong vũ trường ồn ã, mà thấy tự hào về quê hương mình, tự hào về sản phẩm Trà Thái Nguyên đã thâm nhập sâu vào đời sống người dân chốn phồn hoa!

 

Theo sông Sài Gòn tìm Trà trên đất biển Vũng Tàu

 

Ở mảnh đất phương Nam đầy nắng gió và mưa bất chợt này, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng tàu cánh ngầm dọc theo sông Sài Gòn để tìm người bán và thưởng thức Trà Thái trên đất biển Vũng Tàu thơ mộng đầy nắng và gió. Thật ngạc nhiên khi biết ở đây có rất nhiều người Thái Nguyên đang sinh sống và làm việc. Có lẽ, đó là những người có công lớn đã đem Trà Thái thâm nhập vào mảnh đất xa xôi này. Anh Trần Văn Sâm, quê ở huyện Đồng Hỷ vào làm việc ở ngành dầu khí đã được 20 năm cho biết: “Sau những lần về quê, tôi đều đem theo mấy cân chè để uống và làm qùa cho các bạn. Kỷ niệm nhớ nhất với tôi là lần đầu tiên mời các bạn trong phòng uống trà làm không ai ngủ được. Nhưng ai cũng bảo, Trà Thái có hương thơm, nước xanh, vị ngọt hậu và rất thích uống. Hiện nay, ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có rất nhiều cửa hiệu kinh doanh chè và các quán bán Trà Thái…”.

 

 

Ông chủ Phan Hồng Sơn ở 57A, Đinh Tiên Hoàng, T.P Vững Tàu đầu tư trên 1 triệu USD mở quán trà Vỹ Dạ thu hút rất đông khách.

 

Người thấm nhất, say mê nhất với Trà Thái có lẽ là anh Phan Hồng Sơn ở 57A - Đinh Tiên Hoàng - T.P Vũng Tàu. Anh say đến nỗi đã bỏ ra hơn 1 triệu đô la để xây dựng quán trà Vỹ Dạ cách đây 3 năm. Anh bảo: “Tôi mở quán trà không phải vì kiếm tiền là chính mà mở quán là để được góp thêm phần nhỏ bé vào giữ gìn và lưu truyền nét văn hóa ẩm thực tao nhã của ông cha cho đời sau…”. Nói vậy, chứ anh Sơn cũng chỉ là lớp hậu sinh ở T.P Vũng Tàu thích Trà mà thế hệ lớp trước anh còn có nhiều người thích Trà Thái lắm. Điển hình như ông Phạm Ngọc Trác, năm nay đã 80 tuổi - một trong những người nghiện Trà Thái từ những năm 1950. Ông cho biết: “Thời trẻ, tôi đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được đóng quân tại Thái Nguyên. Khi ấy, mỗi khi ra thao trường tập luyện, chúng tôi đều hái những búp chè tươi bỏ vào bình tông để lấy nước uống. Vị Trà ngọt hậu Thái Nguyên đã ngấm vào trong tôi từ những ngày ấy. Hòa bình lập lại, tôi về Nam công tác nhưng không xa được Trà Thái. Hiện nay, ngày nào cũng vậy, tôi và những người bạn trong phố đều uống Trà Thái. Có lẽ do uống Trà Thái đều đặn mà sức khỏe rất tốt, tinh thần sảng khoái, minh mẫn…”

Cũng như nhiều miền quê khác trên dải đất Việt Nam thân thương, Trà Thái đã thấm vào người dân vào đất biển Vũng Tàu. 

 

Đi dưới cái nắng và gió biển mát dịu, vô tình chúng tôi được nghe bài hát “Chiều quê hương” của nhạc sỹ Đặng An Thuyên trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Những câu hát: Anh đi giữa chiều đầy sương khói/Một thoáng quê hương bóng chiều khuất núi/Thái Nguyên ơi dù đường dài cách trở/Đồi chập trùng mây núi thủa nào xa/Nương chè xanh xanh đến mượt mà/Về quê hương anh về nơi đầu suối/Giữa tươi xanh muốn hát lại đời mình… cứ ngấm dần vào tâm can chúng tôi!