Đồng hành cùng người lao động

08:35, 28/10/2011

Hiện nay, Công đoàn ngành Công Thương có 29 công đoàn trực thuộc với gần 7.900 công nhân viên chức lao động và trên 5.470 đoàn viên công đoàn.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các đoàn viên công đoàn, người lao động và phối hợp tổ chức tốt các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh đảm bảo đời sống người lao động chính là hai nhiệm vụ xương sống được tổ chức Công đoàn ngành Công Thương những năm qua đặc biệt chú trọng. Hiện nay, Công đoàn ngành Công Thương có 29 công đoàn trực thuộc với gần 7.900 công nhân viên chức lao động và trên 5.470 đoàn viên công đoàn. Số công nhân lao động trên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng và khai thác mỏ, có đời sống và việc làm tương đối ổn định với mức thu nhập bình quân gần 2,2 triệu đồng/người/tháng. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn không chỉ đối với người lao động mà với cả tập thể các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nên thời gian qua, Công đoàn ngành Công Thương đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập trung thực hiện tốt 2 nhiệm vụ cơ bản trên.

 

Gần đây, tại một đơn vị sản xuất có tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Ngành Công Thương (xin không nêu tên) để xảy ra sự cố lao động làm thiệt hại lớn về tài sản. Sau khi sự việc xảy ra, nhóm nhân viên phụ trách an toàn của đơn vị bị cho là tắc trách và phải chịu trách nhiệm chính về sự cố này. Người có trách nhiệm đã làm văn bản đề nghị lên Ban Giám đốc của đơn vị tiến hành kỷ luật và yêu cầu những nhóm nhân viên kia phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nguyên nhân để xảy ra sự cố không phải do sự bất cẩn của nhóm nhân viên phụ trách an toàn mà do yếu tố khách quan mang lại. Lúc này, cùng với tổ chức công đoàn sở tại, Công đoàn Ngành Công Thương đã vào cuộc, một mặt làm việc với chủ đơn vị để tìm hiểu nguyên nhân, phân tích các yếu tố khách quan, chủ quan, mặt khác tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao. Từ đó, giúp cho nhóm nhân viên phụ trách an toàn tránh bị hiểu nhầm, đơn vị cũng có phương án xử lý ổn thoả, không gây căng thẳng, bức xúc trong công nhân viên chức, người lao động. Đối với sự việc này, tổ chức Công đoàn như chiếc cầu nối thông suốt cả về tư tưởng lẫn cách giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý.

 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tâm sự: “Sự vào cuộc sớm của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở đã và đang góp phần quan trọng giải toả căng thẳng trong quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động qua đó tránh được tình trạng ngừng việc tập thể hoặc đơn thư, khiếu kiện. Từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều đơn vị để xảy ra bức xúc trong công nhân lao động, song chưa có trường hợp nào (có tổ chức công đoàn thuộc ngành Công Thương) để xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến trường hợp ngừng việc tập thể”. Một điều đáng quan tâm là tổ chức Ccông đoàn không chỉ trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, bản lĩnh cho người lao động để tự họ biết bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình.

 

Thời gian qua, Công đoàn ngành Công Thương còn đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với công tác chuyên môn đồng cấp nhằm thực hiện tốt các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống người lao động. Đó là các phong trào: Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch năm; Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; Vì sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giỏi việc nước, đảm việc nhà… Trong năm 2011 này đã có gần 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các đoàn viên Công đoàn thuộc Ngành, làm lợi cho các đơn vị hàng trăm triệu động. Chị Nguyễn Thị Việt An, nhân viên kỹ thuật thuộc công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG là người có sáng kiến làm lợi cho đơn vị tới trên 300 triệu đồng/năm. Từ thực tế lao động, chị An đã nảy ra ý tưởng cải tiến kỹ thuật trong quá trình giác sơ đồ may sản phẩm áo kẻ đối xứng ngang. Khi chưa cải tiến, với sản phẩm kẻ ngang sẽ mất nhiều thời gian, tiêu hao nhiều nguyên liệu. Sau khi áp dụng biện pháp giác sơ đồ đã tiết kiệm được 360 giây/sản phẩm, giảm 620 đồng/sản phẩm và tiết kiệm được 0,12m/sản phẩm. Mã hàng đầu tiên ứng dụng sáng kiến của chị An (với 4.000 sản phẩm), Công ty đã tiết kiệm được 418 giờ, tổng tiền nguyên liệu tiết kiệm được trên 24 triệu đồng. Chị An cho biết: Tôi luôn xác định phong trào thi đua là nòng cốt để bản thân tu dưỡng, rèn luyện và phát triển. Thông qua tổ chức công đoàn, hàng năm, tôi đều tham gia các hoạt động ôn luyện tay nghề và tổ chức giúp đỡ anh chị em trong tổ sản xuất về kỹ năng, chuyên môn. Công đoàn Công ty mỗi năm cũng tổ chức 3 đến 5 cuộc thi thợ may giỏi, thiết kế thời trang… Nhờ đó, tạo động lực tốt để người lao động trong Công ty hăng say làm việc, mang lại doanh thu, lợi nhuận cao cho đơn vị.

 

Có thể khẳng định công đoàn ngành Công Thương đã và đang phát huy hiệu quả vai trò cầu nối quan trọng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Xin được lấy ý kiến của Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, chị Hoàng Thị Ngọc Trinh thay cho lời kết bài viết này: Tổ chức công đoàn cơ sở chính là ngôi nhà ấm cúng luôn che chở, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất trong đội ngũ công nhân viên chức, đoàn viên công đoàn…