Dự án phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô - CEDO được đưa vào Thái Nguyên từ tháng 7-2010 và thực hiện ở 2 xã Cổ Lũng và Động Đạt, Phú Lương…
Chúng tôi có mặt tại Trường THCS Cổ Lũng đúng lúc tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ ra chơi, từng tốp học sinh ùa ra khỏi lớp cười nói ríu ran như những bầy ong vỡ tổ rồi chia thành từng tốp chụm lại trên sân trường chơi các trò chơi tuổi ô mai. Nào nhảy dây, đuổi bắt, đá cầu, kéo co… trò nào các em cũng chơi hết mình cho đến lúc mồ hôi nhễ nhại cũng là lúc 10 phút giải lao đã hết, các em lại đổ dồn về những bình nước được đặt sẵn ở góc mỗi lớp học truyền tay nhau những ly nước mát lành.
Cô giáo Lê Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có gần 400 học sinh, các em đều đang ở tuổi phát triển mạnh về thể lực, lại rất hiếu động, cứ ra chơi là chạy nhảy đùa nghịch nên nhu cầu uống nước rất cao. Mỗi ngày nhà trường sử dụng hết gần 100 lít. Trước đây, Trường có 1 bình lọc nước nhỏ mỗi ngày chỉ lọc được khoảng 30 lít nên thường xuyên thiếu nước uống, từ năm 2010, được Dự án phát triển bền vững dựa vào cộng đồng khu vực ven đô hỗ trợ 5 triệu, nhà trường đã bỏ ra thêm 5 triệu để mua máy lọc nước công suất đạt trên 100 lít nước/ngày, nên mới đáp ứng được nhu cầu nước uống cho học sinh và giáo viên của Trường. Ngoài chiếc máy lọc nước này, Dự án còn hỗ trợ 21 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh, từ sự hỗ trợ này Trường đã đầu tư xây dựng khu nhà vệ sinh khép kín tự hoại thay thế nhà vệ sinh 2 ngăn trước đây với tổng kinh phí 64 triệu đồng.
Với mục tiêu bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững, Dự án đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường sống, môi trường sản xuất thông qua việc xây dựng các mô hình và các hoạt động cụ thể trong việc xử lý rác thải hữu cơ và nước sinh hoạt cho người dân. Trước đây, Bá Sơn là xóm bị ô nhiễm môi trường nhiều nhất của xã Cổ Lũng bởi xóm nằm liền kề với công trường khai thác của Mỏ than Bá Sơn nên phải hứng chịu một lượng khói, bụi lớn, bên cạnh đó do moong than đào sâu nên nhiều giếng khơi bị cạn nước dẫn đến bà con trong xóm thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhiều hộ dân phải đi gánh nước ở các hộ xa moong, thậm chí sang xóm khác xin. Ngoài ra, do xóm chưa có điểm tập kết rác thải để đưa đi xử lý nên bạ chỗ nào bà con cũng vứt rác, các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon ngổn ngang trên khắp cánh đồng. Trước tình hình đó, Dự án đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng để xóm xây dựng 6 bể chứa rác thải bố trí ở các góc đồng để người dân tiện vứt các loại rác thải.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng xóm Bá Sơn cho biết: Từ ngày có bể chứa rác thải, cánh đồng sạch sẽ hẳn, ai cũng tự giác vứt rác vào nơi quy định, bà con đi làm đồng không sợ dẫm phải mảnh sành hay các chất hóa học độc hại… Đối với rác thải sinh hoạt, Dự án cũng đã hướng dẫn bà con cách phân loại rác, những loại rác thải công nghiệp có thể đào hố chôn, còn lại ủ cho hoai mục để sử dụng làm phân bón cho cây vừa tiết kiệm chi phí mua phân bón lại vừa giữ cho môi trường không bị ô nhiễm.
Để giải quyết khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cho bà con và cải tạo lại công trình vệ sinh cho hợp vệ sinh, Dự án cũng đã hỗ trợ các hộ dân thuộc các xóm vùng dự án 2,5 triệu đồng/hộ để xây dựng công trình vệ sinh và bể chứa nước sạch. Đến nay, 100% số hộ tham gia Dự án đã có công trình vệ sinh hợp vệ sinh và 50% số hộ có bể chứa nước sạch sinh hoạt. Chị Phạm Thị Diệu xóm Bá Sơn tâm sự: Gia đình tôi ở ngay gần moong khai thác than của Mỏ than Bá Sơn nên giếng nước lúc nào cũng cạn khô, để có nước sinh hoạt, trước đây, gia đình tôi vẫn phải đi xin từng xô của các hộ quanh xóm. Do điều kiện gia đình khó khăn nên không có điều kiện cải tạo nhà vệ sinh mà vẫn dùng nhà vệ sinh hai ngăn do ông bà làm từ những năm 80. Nhờ có Dự án hỗ trợ, tôi đã xây được nhà vệ sinh kiểu mới hợp vệ sinh đồng thời xây bể chứa nước để phục vụ sinh hoạt. Từ ngày có bể chứa nước, mỗi khi trời mưa tôi lại hứng nước đổ vào bể để tích trữ, thỉnh thoảng rảnh rỗi tôi lại gánh nước đổ đầy bể nên lúc cần là có ngay, đỡ vất vả hơn nhiều.
Bên cạnh những hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm hướng tới một ngành chăn nuôi sạch, Dự án còn hướng dẫn bà con nuôi thử nghiệm giống giun quế để phục vụ chăn nuôi tại gia đình chị Phạm Thị Điều, Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Lũng. Chị Điều cho biết: Tôi bắt đầu nuôi giun từ đầu năm 2011 với quy mô 5kg giun giống. Được cán bộ của Dự án hướng dẫn tỉ mỉ quy trình nuôi nên tôi đã mạnh dạn làm theo. Tận dụng ô chuồng trâu cũ của gia đình đã lâu không sử dụng đến để nuôi, trong quá trình nuôi tôi đã gom phân trâu ở các hộ xung quanh làm thức ăn cho giun. Sau khoảng 9 tháng nuôi, đến nay giun đã sinh sản được khoảng 50kg, hiện tôi đã xuất khoảng 10kg cho 4 hộ dân quanh vùng cùng nuôi. Tôi cũng đã thử lấy giun làm thức ăn cho gà, thấy gà ăn rất mạnh, sắp tới tôi dự định sẽ mở rộng quy mô nuôi giun để có thể đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn gà trên 100 con của gia đình nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi. Tôi cũng đã tham khảo nhiều tài liệu về giun quế và hiểu được đây là nguồn thức ăn bổ dưỡng không những cho gà mà có thể dùng làm thức ăn để chăn nuôi vịt, cá, lợn…
Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện Dự án, đời sống nhân dân 4 xóm đã có sự thay đổi rõ nét, ngõ xóm được giữ vệ sinh sạch sẽ hơn và trên hết là đã tạo cho người dân thói quen, ý thức về giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân, nâng cao nếp sống văn hóa ở các xóm, làng.