Thái Nguyên có trên 250 mỏ, điểm khoáng sản, gồm 24 loại khoáng thuộc 05 nhóm: Nhiên liệu khoáng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nước khoáng...
Một số đơn vị được cấp phép khai thác song chậm tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và đưa mỏ vào hoạt động. Việc thực hiện các quy định trong khai thác khoáng sản (KS) còn chậm và chưa đầy đủ theo quy định. Nhiều đơn vị khai thác KS sử dụng các thiết bị, máy móc, công nghệ lạc hậu, dây chuyền không đồng bộ nên hiệu quả của các hoạt động khai thác, chế biến còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, sụt lún, mất nước… làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đó là đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ về hoạt động KS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010.
Đến nay, qua tổng hợp các tài liệu địa chất, trên địa bàn tỉnh có trên 250 mỏ, điểm KS, gồm 24 loại KS thuộc 05 nhóm: Nhiên liệu khoáng, khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nước khoáng. Một số KS có trữ lượng lớn như: Wonfram khoảng trên 100 triệu tấn, Than khoảng 80 triệu tấn, Sắt khoảng 40 triệu tấn, Titan khoảng 8 triệu tấn, Chì - Kẽm khoảng 0,5 triệu tấn, đá vôi xi măng khoảng 200 triệu tấn. Tính đến 31/12/2010, trên địa bàn tỉnh đã có 69 tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép thăm dò, khai thác KS. Nhìn chung, các doanh nghiệp được cấp phép đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động KS, một số đơn vị đã đầu tư thiết bị, sử dụng công nghệ tiên tiến, thu hồi tối đa KS, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có KS được khai thác. Đa số các đơn vị khai thác KS đã sử dụng nguồn lực lao động tại địa phương nơi có mỏ được khai thác; đóng góp, hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cơ sở hạ tầng với trị giá trên 36 tỷ đồng; 90% số mỏ đang hoạt động đã được phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường, 51 lượt các doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về lĩnh vực KS được tăng cường với nhiều hình thức khác nhau, trong đó đặc biệt chú trọng đến các huyện có điểm nóng về hoạt động khai thác KS trái phép như: Huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương. Về cơ bản, các loại KS trên địa bàn tỉnh đã được lập quy hoạch, làm cơ sở cho công tác quản lý KS theo quy định của pháp luật. Việc ký cam kết trong công tác quản lý KS giữa chủ tịch UBND các cấp đã nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền. UBND cấp huyện, xã đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý các hoạt động KS trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, mặt trận Tổ quốc đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ KS trái phép. Hoạt động KS trái phép ở nhiều nơi đã được phát hiện, ngăn chặn và giải quyết dứt điểm. Có thể nói, hoạt động KS thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đã đáp ứng được nguyên liệu cho các cơ sở chế biến và sử dụng KS, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác KS trái phép ở một số nơi vẫn còn xảy ra và tái diễn nhiều lần (như quặng sắt ở Đồng Hỷ, Đại Từ; than và quặng thiếc ở Đại Từ; vàng sa khoáng, vàng gốc ở xã Thần Xa, Sảng Mộc huyện Võ Nhai; cát sỏi ở một số khu vực trên sông Công, sông Cầu, các suối nhỏ…. ) gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, không đảm bảo an toàn lao động nhưng chưa được phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch về KS còn hạn chế; một số biện pháp quản lý đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện còn chậm, hiệu quả thấp. Các đơn vị trước đây được các bộ, ban, ngành Trung ương cấp phép khai thác chưa hoàn thành việc rà soát cấp lại giấy phép theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chưa làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên KS, còn để xảy ra tình trạng khai thác KS trái phép trong khu vực được giao quản lý (như mỏ sắt Kim Cương, Hòa Bình thuộc mỏ sắt Trại Cau, mỏ than làng Cẩm…).
Nguyên nhân chủ yếu của các hiện tượng nêu trên là do: Một số quy định trong pháp luật về KS chưa có hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện; các biện pháp, chế tài xử lý chưa đủ mạnh để răn đe; công tác thanh tra, kiểm soát của các ngành, các cấp đối với các hoạt động KS chưa đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế; lực lượng cán bộ chuyên ngành từ cấp tỉnh đến huyện, xã còn thiếu và yếu.
Để hoạt động KS trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”. Với quan điểm huy động đồng bộ các ngành, các cấp và nhân dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ KS; kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ KS trái phép; sớm thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường trong lĩnh vực KS, Ban Chấp hành Đảng bộ đã chỉ đạo tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc cấp phép hoạt động KS sẽ được tăng cường. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp cần nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ KS trái phép; tiếp tục tổ chức ký cam kết trách nhiệm trong công tác quản lý KS giữa chủ tịch UBND cấp huyện với chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp xã với chủ tịch UBND cấp huyện… Đấu giá quyền khai thác, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác KS trái phép. Thực hiện tốt công tác lập, điều chỉnh, quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng KS và công tác quản lý quy hoạch. Các tổ chức, cá nhân cần đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiến tiến trong khai thác, chế biến KS nhằm thu hồi tối đa, tăng giá trị của KS, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường; thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có KS được khai thác; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế từ hoạt động KS./.