Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23-11-1946 và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội.
Lịch sử phát triển của Hội từ ngày thành lập đến nay là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân.
Được thành lập ngày 15-10-1973, Hội Chữ thập đỏ tỉnh dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chỉ đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ngày càng vững mạnh trên nhiều lĩnh vực hoạt động: Hệ thống tổ chức được hình thành, củng cố, phát triển đến địa bàn xóm, bản, tổ dân phố; đội ngũ cán bộ được tăng cường. Hoạt động của Hội ngày càng đa dạng, phong phú như: Công tác cứu trợ xã hội, phòng ngừa ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, sơ cấp cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; phong trào hiến máu nhân đạo, hiến mô, hiến tạng, hiến giác mạc; công tác tìm kiếm thân nhân mất tích và tuyên truyền các giá trị nhân đạo. Sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước về cơ chế chính sách, về cơ sở vật chất đã tạo cơ hội tốt để Hội phát huy vai trò là 1 tổ chức làm nòng cốt, là cầu nối trong công tác nhân đạo.
Những năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn các cấp Hội trong tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tổ chức nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động đạt hiệu quả cao. Hoạt động của Hội đã gắn kết được với các ngành, đoàn thể, các tổ chức cán nhân trong và ngoài nước. Phong trào nhân đạo lan tỏa trong cộng đồng, thiết thực gần gũi với người dân. Tổ chức Hội ở mỗi cấp thực sự là địa chỉ, là chỗ dựa tin cậy của biết bao số phận con người gặp khó khăn hoạn nạn. Theo số liệu thống kê của 5 năm từ 2006 đến 2011 thông qua hoạt động cứu trợ đã giúp đỡ trên 40.000 đối tượng trị giá 14,2 tỷ đồng. Tiêu biểu là phong trào "Tết Vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam"; cuộc vận động " Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với 1 địa chỉ nhân đạo".Vận động tổ chức xây dựng 457 nhà nhân đạo, sửa chữa 111 nhà tổng giá trị đạt 11,2 tỷ đồng.
Hoạt động bảo trợ nạn nhân chất độc da cam được tổ chức tốt ở các cấp Hội với nhiều hình thức như: Xóa nhà dột nát, hỗ trơ vốn phát triển sản xuất, khám bệnh nhân đạo, chỉnh hình và phục hồi chức năng. Hội thường xuyên tổ chức tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, khám chữa bệnh nhân đạo cấp thuốc miễn phí cho trên 52.500 lượt đối tượng trị giá 1,88 tỷ đồng. Vận động 2125 người tham gia đăng ký hiến giác mạc. Công tác vận động hiến máu nhân đạo có bước phát triển đột phá thông qua 150 đợt tổ chức đã tiếp nhận gần 23.000 đơn vị máu tăng gần 21.000 đơn vị so với nhiệm kỳ 2001- 2005. Các mô hình hoạt động, các loại hình tổ chức được mạnh dạn áp dụng ở từng địa bàn giúp cho hoạt động nhân đạo ngày càng thiết thực, đáp ứng nhu cầu của người dân và cộng đồng.
Tiêu biểu là mô hình Bếp ăn tình thương ở các bệnh viện cấp tỉnh và cấp huyện, tổ chức phát cơm, cháo miễn phí tại các trung tâm nhân đạo đã cung cấp trên 129.000 xuất ăn miễn phí trị giá gần 900 triệu đồng. Mô hình "Nuôi lợn nhựa tiết kiệm" triển khai rộng khắp trong khối trường học đã góp phần trợ giúp cho nhiều học sinh và giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Hình thành 48 chốt sơ cấp cứu tại cộng đồng ở các huyện những địa bàn thường xảy ra tai nạn giao thông để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Tổ chức 11 đội xe ôm an toàn Chữ thập đỏ để vận chuyển khách và triển khai công tác sơ cấp cứu, tuyên truyền về an toàn giao thông. Các đội, nhóm, câu lạc bộ liên gia đình, hiến máu tình nguyện, bác sỹ tình nguyện, đội thanh niên cứu hộ cứu nạn ứng phó thảm họa thiên tai được phát triển ở tất cả các huyện thành, thị.
Với chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai các đợt vận động ủng hộ nhân dân ở các vùng bị thiên tai, thảm họa hàng năm, Hội chủ động tham mưu với UBND tỉnh, phối hợp với MTTQ, các cấp để vận động quyên góp tiền hàng kịp thời và hiệu quả nhất. Năm 2010 ủng hộ nhân dân miền Trung hơn 4,6 tỷ đồng và 20 tấn hàng hóa, ủng hộ nhân dân Nhật Bản (năm 2011) khắc phục động đất sóng thần 3,8 tỷ đồng. Ngoài việc ủng hộ, công tác vận động xây dựng quỹ được tiến hành thường xuyên hàng năm. Quỹ Da cam, Quỹ nhân đạo, Quỹ Cứu trợ khẩn cấp luôn duy trì ở mức 8-10 tỷ đồng, đảm bảo chủ động trong công tác cứu trợ khẩn cấp…
Để ghi nhận những thành tích của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng: Năm 2009- 2011, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 cá nhân nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 2 tập thể, 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều Cờ thưởng, Giấy khen các loại.
Để hoạt động của Hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt vai trò là nòng cốt, là cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo trong thời gian tới các cấp Hội trong toàn tỉnh cần tập trung vào 1 số nhiệm vụ trọng tâm cơ bản là: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Luật hoạt động Chữ thập đỏ, Chỉ thị 43 của Ban bí Thư và chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới nhằm mục đích để cán bộ, đảng viên, nhân dân, các cấp các ngành, đoàn thể hiểu sâu sắc ý nghĩa và giá trị nhân văn của công tác nhân đạo đối với con người và xã hội, từ đó nâng cao trách nhiệm đối với công tác này ở từng địa phương, đơn vị; phối hợp chung sức vì sự nghiệp nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Không ngừng củng cố tổ chức Hội ở các cấp làm cho Hội ngày càng vững về tổ chức, mạnh về phong trào. Chủ động xây dựng các nguồn lực để kịp thời ứng phó với các tình huống nhằm giảm tối đa những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.