Định Hóa: Bất hợp lý trong quy hoạch đất rừng

11:13, 21/11/2011

Năm 2007 huyện Định Hóa đã hoàn thiện việc quy hoạch và xác định ranh giới 3 loại đất rừng, nhưng việc quy hoạch này vẫn còn nhiều bất hợp lý…

Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát và quy hoạch rừng, đến năm 2007 huyện Định Hóa đã hoàn thiện việc quy hoạch và xác định ranh giới 3 loại đất rừng. Theo kết quả điều tra, toàn huyện có 30.230 ha đất lâm nghiệp (chiếm 59,1% diện tích đất tự nhiên) trong đó, rừng sản xuất là 14.452 ha, rừng phòng hộ là 7.050 ha và rừng đặc dụng là 8.728 ha.

 

Công tác điều tra quy hoạch, phân định ranh giới đất rừng được thực hiện bởi Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Đông Bắc bộ. Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa: Trong quy hoạch cũ, điều bất hợp lý nhất khi xác định 12 xã phía bắc đều thuộc rừng phòng hộ và đặc dụng đã được điều chỉnh phù hợp hơn trong bản  quy hoạch mới. Ngoài ra, quy hoạch mới cũng xác định rõ ranh giới các loại đất rừng để thuận tiện cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác; các dự án về lâm nghiệp trên địa bàn dựa trên quy hoạch này bước đầu đã phát huy những kết quả khả quan.

 

Tuy nhiên, thực tế ở cơ sở cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý khi xác định các loại rừng và ranh giới đất rừng ở Định Hóa. Nhiều khu vực núi cao, độ dốc lớn, vùng đầu nguồn sông suối có ý nghĩa quan trọng về mặt cảnh quan, sinh thái cần phải quy hoạch thành rừng phòng hộ (loại rừng có chức năng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn và điều hòa khí hậu) và bảo vệ nghiêm ngặt lại được quy hoạch thành rừng sản xuất để phục vụ kinh tế lâm nghiệp. Cụ thể là các khu vực rừng xung quanh hồ thủy lợi Bảo Linh, thuộc xã Bảo Linh; khu vực đèo So, giáp ranh giữa Định Hóa và huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các xóm Thịnh Mỹ 1, 2 và 3, xã Tân Thịnh… Tổng diện tích của những vùng rừng này là hơn 1.500 ha.

 

Chúng tôi đã đến tìm hiểu thực tế tại khu vực rừng quanh hồ Bảo Linh (hồ thủy lợi lớn thứ 2 của tỉnh sau hồ Núi Cốc). Tổng diện tích mặt nước của hồ Bảo Linh là hơn 81 ha, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 6 xã phía nam của huyện Định Hóa. Từ năm 2007, toàn bộ hơn 600 ha rừng quanh khu vực lòng hồ đã được quy hoạch thành rừng sản xuất, trong đó hơn 50 ha đã được giao cho các hộ dân quản lý, khai thác (phần còn lại thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa). Ông Ma Khánh Lành, xóm A Nhì, xã Bảo Linh cho biết: “Năm 2007, sau khi được bàn giao hơn 1ha đất rừng ngay sát lòng hồ, gia đình tôi đã phát dọn và trồng keo lai trên diện tích này. Sau gần 4 năm, tôi đã chặt tỉa một số cây lớn để làm nhà và lấy củi đun. Khoảng 2 năm nữa, khi cây keo đạt kích thước tiêu chuẩn, tôi sẽ làm đơn xin khai thác toàn bộ và trồng đợt mới”. Được biết, tình trạng chặt trắng khi cây đến tuổi khai thác đã diễn ra ở một số diện tích rừng ở vùng ven hồ.

 

Theo anh Hoàng Văn Trường, cán bộ lâm nghiệp xã Bảo Linh: Việc làm này ảnh hưởng lớn tới cảnh quan cũng như khả năng điều tiết nước của hồ Bảo Linh, đẩy nhanh quá trình bồi lắng lòng hồ. Tuy nhiên, do đã được quy hoạch thành rừng sản xuất và giao cho hộ dân nên người dân có quyền khai thác khi rừng đạt tiêu chuẩn. Tương tự, khu vực đèo So thuộc các xóm Đăng Mò, Khuân Câm, xã Quy Kỳ là nơi có độ dốc lớn, cao trên 500m (so với mực nước biển) và là vùng đầu nguồn của dòng sông Cầu, bảo vệ rừng ở đây có ý nghĩa quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy sông Cầu, hạn chế lũ lụt cho vùng hạ lưu. Khu vực các xóm Thịnh Mỹ 1, 2, 3 của xã Tân Thịnh, nơi còn hơn 20 cây Chò Chỉ có tuổi hàng trăm năm, chiều cao trên 30m, chu vi hơn 1m (trị giá mỗi cây hàng chục triệu đồng) cũng được quy hoạch là rừng sản xuất.

 

Việc xác định đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng (rừng có chức năng bảo tồn nguồn gen sinh vật, phục vụ nghiên cứu khoa học và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh) trong quy hoạch mới cũng có nhiều điểm không hợp lý. Đó là, khu vực nhà tù Chợ Chu, thuộc thị trấn Chợ Chu được xác định là rừng sản xuất (đây là khu vực cảnh quan nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt). Trong khi khu vực Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Định Hóa, thuộc phố Hợp Thành, thị trấn Chợ Chu lại được xác định là rừng đặc dụng. Ngoài ra, hơn 730 ha rừng thuộc vùng thấp, ngay trung tâm của xã Quy Kỳ gồm các xóm Sự Thật, Đăng Mò, Đồng Hẩu… lại được xác định là rừng phòng hộ. Gia đình ông Trần Văn Chính có hơn 2 ha rừng ở xóm Đồng Hẩu, xã Quy Kỳ chia sẻ: Từ khi quy hoạch đất rừng sản xuất thành rừng phòng hộ, mọi hoạt động khai thác đều bị cấm tuyệt đối. Gia đình tôi chỉ có thể chặt các cây khô, chết để phục vụ sinh hoạt sau khi đã được cho phép. Không có nguồn thu từ rừng, kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ”. Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Đức Hồng, Phó Bí thư Đảng bộ xã Quy Kỳ cho biết: Là xã có lợi thế về lâm nghiệp, phần lớn người dân sống dựa vào rừng nên việc quy hoạch phần lớn đất rừng đáng ra là rừng sản xuất trở thành rừng phòng hộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con và kinh tế chung của xã”.

 

Được biết, sau khi quy hoạch và xác định ranh giới 3 loại đất rừng, huyện Định Hóa đã triển khai thông tin xuống các xã, thị trấn vào cuối năm 2007. Các địa phương đã có kiến nghị chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong quy hoạch mới. Tiếp thu các ý kiến trên, UBND huyện Định Hóa đã có các công văn số 994/CV-UBND vào tháng 12-2007 và số 223/CV-UBND vào tháng 3-2008 đề nghị Chi cục Lâm nghiệp tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch, phân định ranh giới đất rừng cho phù hợp với thực tế. Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, Phân viện quy hoạch điều tra rừng Đông Bắc bộ phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát và thẩm định lại các loại đất rừng. Công văn số 184/CCLN-KH tháng 6-2009 của Chi cục Lâm nghiệp tỉnh gửi huyện Định Hóa cũng đề cập đến phương án thay đổi lại quy hoạch rừng và ranh giới đất rừng theo chức năng ở một số điểm đã nêu ở trên. Theo phương án này, diện tích đất rừng phòng hộ của huyện Định Hóa sẽ giảm gần 90 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án thay đổi đó vẫn chưa được triển khai thực hiện.

 

Sớm thực hiện quy hoạch và xác định lại ranh giới đất rừng ở những khu vực chưa hợp lý là mong muốn của chính quyền và người dân Định Hóa, để công tác bảo vệ, phát triển và khai thác rừng phục vụ kinh tế trên địa bàn huyện được thực hiện tốt hơn nữa.