Khám chữa bệnh theo chế độ BHYT - quyền lợi của người bệnh

13:50, 03/11/2011

Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung), nhiều người tham gia BHYT vẫn chưa biết và hiểu rõ quyền lợi của mình được hưởng khi đi khám, chữa bệnh.

Sau khi Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (ngày 14-11-2008), Bộ Y tế đã ra Thông tư số 10/2009/ TT-BYT ngày 14-8-2009 hướng dẫn việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Theo các quy định này, người tham gia BHYT  không những được hưởng rất nhiều ưu đãi, thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh theo đúng tuyến đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, mà còn giúp cho những người khám, chữa bệnh trái tuyến (vượt tuyến) cũng được hưởng nhiều quyền lợi. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện, nhiều người tham gia BHYT, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa biết và hiểu rõ quyền lợi của mình được hưởng khi đi khám, chữa bệnh.

 

Trường hợp của bà Âu Thị Loan, 65 tuổi, ở huyện Đồng Hỷ là một ví dụ. Bà vốn là một bệnh nhân có BHYT, bị thoái hóa cột sống và thoái hóa khớp gối nhiều năm nay. Thời gian trước, khi bệnh tái phát, các con đã đưa bà đến điều trị tại các cơ sở y tế gần nhà, nhưng chỉ được một thời gian ngắn bệnh cũ lại tái phát. Cũng có người khuyên bà nên đi điều trị tại các bệnh viện tuyến trên, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại chưa biết về quyền lợi của mình được hưởng khi tham gia BHYT nên bà còn chần chừ, chưa dám chuyển tuyến điều trị. Tuy nhiên, do sốt ruột vì bệnh tình mãi không thuyên giảm, bà Loan quyết định vượt tuyến đến điều trị tại Khoa nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên. Tại đây, bà được các bác sĩ kết hợp điều trị giữa cho uống thuốc bắc, châm cứu, bấm huyệt và chạy điện xung, nên căn bệnh đã được chữa khỏi.

 

Không chỉ có trường hợp của bà Loan, nhiều bệnh nhân cao tuổi khác như các ông, bà: Nguyễn Thị Luân ở Phú Bình; Đặng Văn Bản ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên); Lường Văn Giang ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn); Hà Văn Chín ở huyện Kim Bảng (Hà Nam) và các bệnh nhân khác đến từ các huyện, thành, thị của tỉnh Thái Nguyên cũng có chung suy nghĩ nói trên. Chỉ đến khi đi điều trị và được các y, bác sĩ tư vấn thì họ mới biết được các quy định mới và quyền lợi của mình khi tham gia BHYT.

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, bác sĩ Chu Hồng Thắng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Sau khi Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII thông qua Luật BHYT, ngày 27-7-2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2009/NĐ-CP về một số quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Trong Nghị định số 62, tại Điểm e, Điều 7, Chương II có quy định: Đối với các trường hợp người bệnh tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh, được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo giá dịch vụ hiện hành của Nhà nước, với mức hưởng quy định tại Điều 22, Luật BHYT và Điều 7 của Nghị định số 62. Theo đó, người bệnh được chi trả 50% tổng chi phí đối với các trường hợp khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn hạng II. Mức chi trả BHYT không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn… Bác sĩ Trương Thị Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên cho biết thêm: Hiện nay, đơn vị đã triển khai nhiều dịch vụ điều trị và điều trị tốt một số bệnh (như: thoái hóa khớp, cột sống, tai biến mạch máu não và các bệnh về chuyển hóa huyết áp, tiểu đường…). Tuy nhiên, do nhiều bệnh nhân chưa biết về năng lực điều trị của đơn vị và chưa được tư vấn về quyền lợi của mình khi tham gia BHYT nên đã gây nhiều thiệt thòi cho người bệnh…

 

Để tạo điều kiện cho bệnh nhân lựa chọn các cơ sở khám, chữa bệnh, thiết nghĩ ngành Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn cần thông tin công khai cho người bệnh về các quy định mới trong lĩnh vực BHYT. Qua đó, những người tham gia BHYT trên địa bàn có thể lựa chọn cho mình một địa chỉ tin cậy, bảo đảm chất lượng khi tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh.