Mở đường trong vùng chè

10:14, 11/11/2011

Trong không khí rộn rã đón chào Liên hoan Trà chúng tôi được hòa mình vào không gian thơm ngát của những nương chè, được chia sẻ niềm vui với những người dân làng chè Yên Thủy, Khe Cốc… (Phú Lương).

Cùng niềm vui trước ngày hội lớn - ngày hội tôn vinh cây chè của quê hương, người dân nơi đây được đón thêm một niềm vui nữa: con đường liên 3 xã Tức Tranh - Yên Lạc - Yên Đổ vừa được khởi công xây dựng. Cùng chúng tôi thả bước trên con đường đất đi qua nhiều làng nghề chè của huyện, bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Đây là con đường đi qua 17 xóm, trong đó 1 xóm thuộc xã Tức Tranh, 1 xóm thuộc xã Yên Đổ và 15 xóm thuộc xã Yên Lạc. Điểm đầu của tuyến đường được nối với đường liên xã Phấn Mễ - Tức Tranh tại địa phận xóm Cầu Trắng, xã Tức Tranh. Đây cũng chính là vùng chè nổi tiếng của huyện - cụm Khe Cốc - nơi sẽ đón du khách tham quan trong Liên hoan Trà Quốc tế. Tiếp đó, tuyến đường sẽ đi qua các xóm Yên Thủy 1, Yên Thủy 4… Từ nhiều ngày trước, bà con các xóm này đã phát quang đường, dọn dẹp sạch sẽ, dỡ bỏ một số công trình liền kề để con đường trở nên đẹp đẽ, thênh thang chào đón khách tham quan.

 

Tuyến Tức Tranh - Yên Lạc - Yên Đổ thuộc dự án đường giao thông nông thôn của huyện Phú Lương. Công trình có tổng đầu tư gần 45 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là trên 28 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước và một số nguồn vốn khác. Theo thiết kế, chiều rộng nền đường 5m, mặt đường 3,5m được xây dựng theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A. Tổng chiều dài con đường là trên 13km chia làm 2 nhánh. Do kinh phí hạn hẹp, không có kinh phí để giải phóng mặt bằng nên huyện kêu gọi nhân dân hiến đất. Theo thống kê sơ bộ, tuyến đường sẽ ảnh hưởng đến 436 hộ dân, với tổng diện tích đất cần hiến là 42.500m2. Để nhân dân đồng tình chủ trương này, huyện đã xây dựng kế hoạch, tập trung tuyên truyền chủ trương tới cán bộ, nhân dân 3 xã; chỉ đạo các xã triển khai tới các xóm, cử cán bộ xuống các xóm họp với dân nhằm tuyên truyền sâu, rộng về ý nghĩa của con đường.

 

Xóm Yên Thủy 1, xã Yên Lạc là địa phương mà con đường chạy dọc suốt chiều dài của xóm. Ông Nguyễn Văn Túc, Trưởng xóm cho biết: Yên Thủy có 133 hộ với 466 nhân khẩu, đời sống bà con trông cả vào cây chè, năm 2010 xóm đã được công nhận là làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống. Lâu nay việc đi lại của người dân rất vất vả, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế và các mặt đời sống khác của người dân. Toàn xóm có khoảng 4km đường, trong đó 1,4km đường liên xã, còn lại là đường xóm. Chừng 3 năm trước, mỗi khi trời mưa là xóm gần như bị cô lập bởi con đường nhỏ hẹp, nhầy nhụa bùn đất. Năm 2009, bà con trong xóm đã đóng góp 60 nghìn đồng/nhân khẩu để mua 400 khối đá về rải dọc con đường, nhờ đó, bà con mới đi lại được, nhưng việc đi lại trên con đường này còn vất lắm, ai cũng mong ước một ngày sẽ được đi trên con đường rải nhựa. Dự án xây dựng đường Tức tranh - Yên Lạc - Yên Đổ đã thỏa lòng mong mỏi của nhân dân làng chè Yên Thủy bấy lâu.

 

Trước những ngày diễn ra Liên hoan Trà, 87 hộ dân có đất mà con đường đi qua đã ký cam kết hiến khoảng 9.000m2 đất để làm đường. Ông Đỗ Đình Hạnh là người hiến nhiều đất nhất xóm (tính cả đất trồng chè và đất ở nhà ông hiến khoảng 1.500m2) tâm sự: Vẫn biết là tấc đất tấc vàng, nhưng Đảng và Nhà nước đã quan tâm mở đường cho dân, mình cũng nên ủng hộ. Sự ủng hộ ấy chính là cùng với Nhà nước chung sức xây dựng cơ sở hạ tầng khi kinh phí Nhà nước còn hạn hẹp, không có điều kiện để đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, xây dựng cơ sở hạ tầng là để cho gia đình, làng xóm mình sử dụng, nên chẳng có lý do gì mình lại không ủng hộ. Khi nào con đường thi công, tôi sẽ tự tay phá bỏ tường rào và khu nhà xưởng chế biến chè của gia đình để lấy mặt bằng thi công đường. Mong con đường sẽ sớm hoàn thành để bà con đỡ vất vả.

 

Cũng cùng suy nghĩ với ông Hạnh, ông Nguyễn Minh Khang cũng đã ký cam kết hiến khoảng 1.000m2 đất. Ông cho biết: Gia đình tôi có hơn 6 sào chè, trong đó gần 3 sào chè ở cuối xóm nằm trong phạm vi con đường. Diện tích chè này mỗi năm cũng cho thu 5 lứa, mỗi lứa khoảng 50kg chè búp khô, trị giá trên 5 triệu đồng. Vì nghĩ đến tương lai con cháu sau này không phải vất vả như mình, tôi sẵn sàng hiến đất. Tôi đang thu hái lứa chè cuối cùng rồi phá bỏ để làm đường.

 

Cùng với nhân dân làng chè Yên Thủy, đến nay, 420 hộ dân thuộc 17 xóm cũng đã ký cam kết hiến trên 40 nghìn m2 đất cùng với các tài sản trên đất như: Tường rào, cây cối, sân bê tông, mái hiên… ước trị giá trên 3 tỷ đồng. Đến thời điểm này, con đường đã bắt đầu được khởi công, đơn vị thi công đã tập trung nhân lực, vật liệu, máy móc thi công vào công trường để thi công. Việc khởi công con đường vùng chè của huyện vào đúng dịp diễn ra Liên hoan Trà Quốc tế như một hoạt động nhằm chào mừng Liên hoan.