Võ Nhai: Nhiều công trình nước sạch đã xuống cấp

14:04, 03/11/2011

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Võ Nhai được đầu tư nhiều công trình nước sinh sạch để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay nhiều công  trình bị xuống cấp khá nhanh.

Phải nói rằng, những công trình nước sinh hoạt tập trung tự chảy (sau đây viết tắt là công trình cấp nước tập trung) đã góp phần đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Ông Vi Văn Thảo, một hộ dân ở xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) phấn khởi cho biết: Làng Tràng vốn là xóm rất khó khăn về nước sạch dùng cho sinh hoạt. Nhưng từ năm 2008, xóm được Nhà nước đầu tư xây dựng một công trình cấp nước tập trung, nước sạch đã về tới từng gia đình... Ông Nông Văn Hải, Trưởng xóm Làng Tràng cho biết: Ngay sau khi nhận bàn giao công trình, xóm đã tổ chức họp dân để bầu chọn Tổ quản lý, vận hành khai thác công trình. Để có nguồn kinh phí hỗ trợ các thành viên trong Tổ thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình cũng như để duy tu, sửa chữa những hư hỏng nhẹ của công trình, xóm đã họp bàn với các hộ dân được hưởng lợi hàng tháng đóng góp 500 đồng/m3 nước.

 

Ngoài công trình trên, nhiều công trình cấp nước khác trên địa bàn huyện Võ Nhai cũng đang phát huy hiệu quả trong việc phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân địa phương, điển hình như công trình ở các xóm: Làng Mười, Đồng Vòi, Đồng Chuối (Dân Tiến); Mỏ Gà (Phú Thượng); Bản Cái (Nghinh Tường)... 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những công trình được quản lý, khai thác hiệu quả, nhiều công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện cũng đã bị xuống cấp, không còn phát huy tác dụng, không những gây lãng phí tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Cụ thể như công trình nước sinh hoạt ở xóm Tân Sơn (Cúc Đường). Công trình này được xây dựng năm 2008 từ nguồn vốn Chương trình 134, với tổng mức đầu tư trên 600 triệu đồng, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho một nhóm gồm 50 hộ dân của xóm. Theo lời kể của các hộ dân trong khu vực thì công trình này được hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã không còn phát huy tác dụng do ống dẫn nước bị hỏng (đến nay vẫn chưa được sửa chữa). Một người dân xóm Tân Sơn (đề nghị được giấu tên) bức xúc nói: Gia đình tôi và nhiều hộ dân ở đây đã phải mất hàng triệu đồng để mua vòi dẫn nước từ công trình về nhà, mà nay phải bỏ phí vì không có nước. Hằng ngày, chúng tôi vẫn phải mang can đi chở nước từ nơi khác về dùng, vừa vất vả lại vừa bất tiện...

 

Hiện nay, ở Võ Nhai có tổng số 61 công trình nước sinh hoạt tập trung, 41 mó nước. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình này là trên 30 tỷ đồng (từ nguồn vốn Chương trình 134, nguồn vốn UNICEF và nhân dân đóng góp). Trong đó, hàng chục công trình đã và đang bị xuống cấp, thậm chí một số công trình đã bị hư hỏng nặng, hoàn toàn không còn phát huy tác dụng, cụ thể như công trình ở các xóm: Làng Lai, Cây Thị (La Hiên), Xuyên Sơn (Thần Sa), Lũng Cà - Lũng Luông (Thượng Nung), Na Đồng, Na Mấy, Na Rang (Vũ Chấn)... Điều đáng nói là những công trình này đến nay vẫn chưa được duy tu, sửa chữa, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân không có nước dùng trong sinh hoạt cũng như sản xuất...

 

Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy khi việc quản lý, khai thác các công trình cấp nước tập trung được quan tâm đúng mức và có cơ chế quản lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương thì công trình đó phát huy tốt vai trò phục vụ nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Còn đối với những công trình bị xuống cấp, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là: Ý thức trách nhiệm cộng đồng của một bộ phận nhân dân còn chưa cao; một số công trình không có tổ quản lý hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả; việc mở rộng mạng cấp nước ở một số công trình còn bất cập; cấp ủy, chính quyền cơ sở lơi lỏng trong việc quản lý, thiếu kiểm tra thực tế cơ sở...

 

Theo lời anh Nguyễn Văn Tiến, xóm Đồng Ẻn (Tràng Xá) thì công trình cấp nước của xóm (được xây dựng từ năm 1999) đã bị hỏng đường ống dẫn nước từ 3 năm nay do chính một số hộ dân sống gần khu vực đầu nguồn đã phá vỡ đường ống để nước chảy xuống ruộng của họ, nhưng đến nay công trình vẫn chưa được sửa chữa. Còn đối với công trình cấp nước xóm Na Rang (Vũ Chấn) cũng mới được đầu tư xây dựng năm 2009, với tổng trị giá trên 300 triệu đồng (trong đó nhân dân đối ứng 10% tổng giá trị công trình), do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay công trình này cũng đã không còn phát huy tác dụng. Ông Mai Quốc Đoạt, Trưởng xóm Na Rang cho biết: Chỉ sau 10 ngày công trình được bàn giao đưa vào sử dụng, nhân dân xóm Na Đồng đã khóa đường ống dẫn nước về xóm Na Rang. Bởi, việc nối thêm mạng nước từ công trình cấp nước xóm Na Đồng về Na Rang đã khiến cho người dân xóm Na Đồng không có đủ nước để dùng...

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công trình cấp nước tập trung bị xuống cấp đều được lãnh đạo và người dân các địa phương ở Võ Nhai nêu ra rất nhiều. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ tốn khoản kinh phí khoảng 30 triệu đồng để duy tu, sửa chữa thì có những công trình có thể hoạt động trở lại và có khả năng phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân, đơn cử như công trình ở xóm Tân Sơn (Cúc Đường). Thiết nghĩ, trong vấn đề này, các địa phương nên huy động sức dân đóng góp để duy tu, sửa chữa các công trình, chứ không chỉ trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên. Bên cạnh đó, các công trình cần được quản lý, khai thác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, tránh lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước, của nhân dân...