Chủ động chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi

15:36, 04/01/2012

Đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4/1, một khối không khí lạnh với cường độ mạnh từ Trung Quốc đã tràn về vùng Đông Bắc bộ nước ta. Đợt lạnh này được đánh giá là có nền nhiệt độ giảm sâu nhất từ đầu mùa đông đến nay, làm nhiệt độ giảm 3-4 độ C, có nơi giảm đến 5-6 độ C.

Tại khu vực núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ đã xuống dưới O độ C. Riêng các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội... nhiệt độ giảm xuống còn 9-14 độ. Với tỉnh ta, một tỉnh có nhiều đồi, núi, nhiệt độ đang ở ngưỡng 9-12 độ C.

 

Với nền nhiệt giảm sâu như hiện nay, rét đậm, rét hại đang diễn ra khiến cho người chăn nuôi không khỏi lo lắng. Ông Đặng Huy Hàn, một người dân ở xóm Quyết Tiến 2, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) nói: Con trâu của gia đình tôi đáng giá hơn chục triệu đồng, nếu không chăm sóc tốt, để trâu đói, rét, dịch bệnh, chắc chắn sẽ chết và thiệt hại là rất lớn. Vì vậy, tôi luôn phải che chắn chuồng trại, ủ ấm cho trâu.

 

Ở khu vực T.P Thái Nguyên được đánh giá là nơi có nhiệt độ ấm hơn các vùng như Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ nhưng người dân rất có ý thức bảo vệ đàn vật nuôi. Còn tại các vùng rừng núi, như các xã nằm ven chân núi Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ, các xã của huyện Định Hóa, nhiệt độ luôn ở mức trên, dưới 10 độ C hơn nửa tháng nay, việc chống đói, rét cho đàn vật  nuôi còn được người dân đặc biệt quan tâm hơn. Cầm chiếc nhiệt kế trên tay, ông Hà Văn Ánh, xóm 8, xã Mỹ Yên (Đại Từ) cho biết: Bây giờ nhiệt độ đang ở 9,2 độ C. Trời rét thế này, ngoài việc che chắn, luôn để nền chuồng, trại khô, thoáng, chúng tôi dùng những tấm bao dứa, quần áo, chăn cũ ủ ấm cho trâu, bò; không chăn thả mà lấy rơm, rạ làm thức ăn cho chúng. Để trâu, bò có sức khỏe, tôi nấu thêm cháo, pha muối loãng cho chúng ăn…

 

Rõ ràng, ý thức trong việc chăm sóc, chống đói, rét cho đàn vật nuôi đã được người dân trên địa bàn tỉnh lưu tâm nhiều hơn. Đạt được kết quả này là do ngay từ đầu mùa rét, tỉnh ta đã chỉ đạo các huyện, thành, thị phải quan tâm tới công tác này. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật  nuôi. Cụ thể là yêu cầu các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, tuyệt đối không để các hộ dân chăn thả đại gia súc, chuẩn bị các chất đốt như trấu, mùn cưa, củi khô đốt sưởi ấm cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại; dự trữ thức ăn như rơm, cỏ khô và cám; không cho trâu, bò lao động vào những hôm trời rét...

 

Ngoài những biện pháp trên, theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh: Việc theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng rất quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật  nuôi, ngay từ đầu năm 2011, chúng tôi đã chỉ đạo tiến hành tiêm phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng (LMLM)... cho đàn gia súc và tiêm bổ sung vào tháng 9 và 10. Theo đó, đã tiến hành tiêm phòng được hơn 135 nghìn liều vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò; gần 189 nghìn liều vắc - xin LMLM cho trâu, bò, lợn; trên 444 nghìn liều vắc - xin dịch tả lợn... Số gia súc được tiêm phòng các loại vắc - xin của năm 2011 đều cao hơn từ 5 đến 100% so với năm 2010.

 

Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày giá rét, bởi ngoài đói, rét thì dịch bệnh chính là một trong những "kẻ thù" nguy  hiểm nhất của người chăn nuôi. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực của các cấp, ngành thì người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng thông báo cho lực lượng thú y, chính quyền sở tại khi phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc để tránh phát tán bệnh ra diện rộng. Diễn biến dịch bệnh LMLM của những ngày cuối năm 2010, đầu năm 2011 là một bài học sâu sắc cho người dân Thành Công (Phổ Yên), Bình Long (Võ Nhai) nói riêng và cho các địa phương khác trong tỉnh nói chung. Nếu người dân có ý thức tốt hơn thì dịch bệnh LMLM ở tỉnh sẽ không bùng phát trên diện rộng và kéo dài từ cuối năm 2010 đến giữa tháng 5-2011 mới được dập tắt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và kéo theo đó, việc tái đàn gia súc trở nên rất khó khăn.

 

Hiện tại, toàn tỉnh có gần 74 nghìn con trâu, đạt 75,4% kế hoạch năm 2011, đàn bò: gần 31 nghìn con, bằng 68,5% kế hoạch, đàn lợn khoảng trên 600 nghìn con... Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết rét đậm, rét hại có thể sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn nên để bảo toàn đàn vật nuôi rất cần sự tích cực của các cấp, ngành và chính người chăn nuôi.