Để tiền đền bù được sử dụng đúng mục đích

16:07, 04/01/2012

Không ít bài học đáng buồn về việc một bộ phận nông dân sử dụng tiền đền bù đất không đúng mục đích đã dẫn đến những thảm cảnh ở hầu hết những địa phương có các dự án vào đầu tư vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Nhận được tiền đền bù, tôi để xây nhà, mua sắm các vật dụng cần thiết, nếu còn dư thì gửi tiết kiệm...” - Câu nói vô tư đến thành thật của bà Ngô Thị Việt ở xóm 13, xã tân Linh (Đại từ) không chỉ khiến tôi chạnh lòng lo lắng, mà đó còn là nỗi lo chung của những người có trách nhiệm ở Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining). Không ít bài học đáng buồn về việc một bộ phận nông dân sử dụng tiền đền bù đất không đúng mục đích đã dẫn đến những thảm cảnh ở hầu hết những địa phương có các dự án vào đầu tư vẫn còn nguyên tính thời sự. Chính vì lẽ đó, ngày 30/12, NuiPhao Mining đã mời đối tác độc lập là Khoa Kinh tế - Phát triển nông thôn (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên ) tổ chức Hội thảo chia sẻ một phần nghiên cứu của Khoa về việc Sử dụng tiền đền bù sau thu hồi đất - Cơ hội và Thách thức ở một số tỉnh phía Bắc, tại xã Tân Linh (xã nằm trong vùng Dự án Núi Pháo) nhằm giúp người dân định hướng được việc sử dụng đồng tiền ra sao, như thế nào cho đạt hiệu qủa, khi một phần diện tích đất nông nghiệp, thậm chí là toàn bộ đất nông nghiệp, thổ cư bị thu hồi phục vụ cho Dự án.

 

Tham dự Hội thảo, không chỉ có đại diện hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng mà còn có đại diện chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương. Việc NuiPhao Mining phối hợp với Khoa Kinh tế - Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo này đã phần nào cho thấy tinh thần trách nhiệm của Công ty là rất cao đối với cộng đồng dân cư trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án. Sẽ là đơn giản hơn, nhàn hạ hơn, nếu Dự án chỉ việc quẳng ra một khoản tiền đền bù cho nông dân, rồi thu hồi lại diện tích đất cần thiết. Việc nông dân đã đồng thuận bàn giao đất, nhận tiền, thì việc họ sử dụng đồng tiền đó hiệu qủa hay không đó không phải là lỗi của Dự án. Nhưng qua những gì chúng tôi được biết, được chứng kiến trong suốt thời gian qua thì NuiPhao Mining đã không hề dửng dưng trước các vấn đề của cộng đồng, họ đã nỗ lực làm rất nhiều việc cho cộng đồng thông qua các chương trình hỗ trợ kinh tế, định hướng nghề nghiệp, tái định cư… và nay là  vấn đề sử dụng nguồn vốn đền bù.

 

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hẳn nhiều người trong chúng ta đã biết về câu chuyện ở xóm Thượng, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Cả xóm vỏn vẹn có 300 hộ nhưng tổng tiền đền bù lên đến hơn 800 tỷ đồng. Xóm thuần nông nghèo bỗng chốc trở thành một đại công trường, nhiều ngôi nhà cũ bị đập bỏ thay vào đó là các ngôi nhà cao tầng, biệt thự, người dân “thi đua” mua sắm các vật dụng đắt tiền… mà không lo đến việc mình sẽ làm gì, sẽ sống bằng nghề gì khi ruộng đất không còn (!?) Có người đã ví von “cả xóm Thượng như được biếu một con cá khổng lồ, họ vui mừng mổ xẻ từng thớ thịt để hưởng thụ, mà không lo tới việc sắm “chiếc cần câu” để mưu sinh…”. Câu chuyện này đã được Tiến sĩ Bùi Đình Hòa, Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) thuyết trình tại Hội thảo ở xã Tân Linh, qua câu chuyện đó Tiến sĩ Bùi Đình Hòa đã nêu bật những thách thức đối với người nông dân khi nhận tiền đền bù nếu không sử dụng đúng mục đích sẽ dẫn đến những hậu quả như: thất nghiệp, đói nghèo, chất lượng cuộc sống nhanh chóng bị giảm sút…

 

Cùng với đó, Tiến sĩ cũng đã phân tích những cơ hội nếu người nông dân biết cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả, người nông dân có điều kiện để cải thiện chỗ ăn, ở của gia đình; có điều kiện để đầu tư sản xuất kinh doanh theo hướng thâm canh, mở rộng quy mô; chuyển đổi nghề nghiệp; có điều kiện chăm lo cho việc học tập, sức khỏe của con cái, gia đình… Tại buổi Hội thảo, đại diện NuiPhao Mining cũng đã đưa ra những gợi ý về cơ hội việc làm để người dân có thể tận dụng, nắm bắt thời cơ, hoặc có sự định hướng để không bỏ nỡ cơ hội vào làm việc cho Dự án…

 

Sau bài thuyết trình, phân tích, với nhiều dẫn chứng sinh động, không khí buổi Hội thảo trở nên sôi động hơn, nhiều người tham dự Hội thảo dường như đã vỡ vạc ra nhiều điều mà trước đó họ chưa hề nghĩ tới hoặc chưa thể lường hết được. Nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh việc giá cả đền bù, cơ hội việc làm, tái định cư… cũng được trao đổi  tại Hội thảo.

 

Ông Ngô Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Linh bày tỏ: Việc NuiPhao Mining tổ chức Hội thảo này tôi cho là rất ý nghĩa và thiết thực. Tân Linh có hơn 100 hộ dân thuộc 3 xóm 12,13,14 bị ảnh hưởng phải bàn giao hơn 60 ha đất cho Dự án. Chúng tôi rất lo ngại đời sống của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng, bởi  trong đó có tới gần 90 hộ phải bàn giao cả đất nông nghiệp và đất thổ cư. Điều chúng tôi lo lắng nhất là “hậu đền bù” người dân sẽ sống ra sao khi trình độ dân trí thấp, phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng lại không còn tư liệu sản xuất… Tôi hy vọng qua buổi Hội thảo này, người dân Tân Linh sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn khi sử dụng những đồng tiền đền bù.

 

Còn anh Đào Tân Hưng, Trưởng xóm 13 thì cho biết: Xóm tôi có 121 hộ dân thì chỉ có 7 hộ là không bị ảnh hưởng. Đây là một Dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh, huyện, xã nên người dân chúng tôi hoàn toàn đồng tình, ủng hộ. Nhưng chúng tôi mong muốn Dự án làm thế nào để nhanh chóng ổn định chỗ ăn, ở, cho các hộ dân phải di chuyển chỗ ở, định hướng, giúp đỡ chúng tôi chuyển đổi nghề nghiệp… Việc Dự án tổ chức Hội thảo này là rất thiết thực, bước đầu củng cố niềm tin cho chúng tôi về sự quan tâm của Dự án.

 

Hội thảo đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn theo những bước chân người tham dự về tới tận gia đình của họ. Nhiều dự định, kế hoạch của người nông dân bị ảnh hưởng bởi Dự án ở Tân Linh đã được các thành  viên trong gia đình họ mang ra mổ sẻ, phân tích và có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Bà Tống Thị Kính ở xóm  13 cho biết: Lúc đầu, tôi dự định khi nhận được tiền đền bù, tôi sẽ mua sắm một số thứ, nhưng nay tôi đã thay đổi ý định, tôi sẽ  gửi vào ngân hàng, rồi tính sau. Còn bà Trần Thị Dung ở xóm 14 thì nói: Gia đình tôi trông vào hơn 3 sào chè, nay phải bàn giao đất chè cho Dự án, tôi thấy rất lo. Sau khi nhận được tiền đền bù, tôi sẽ gửi tiết kiện để sau này lo cho việc chuyển đổi sang nghề khác, chúng rất mong nhân được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ phía Công ty trong vấn đề tạo việc làm mới…

 

Liên tiếp trong những tháng gần đây, chúng tôi đã được tham dự  tới 3 hội thảo về cơ hội việc làm và định hướng nghề nghiệp do NuiPhao Mining tổ chức ở các xã Hà Thượng, Hùng Sơn, Cát Nê, đã thu hút hàng trăm người tham dự. Hội thảo lần này tiếp tục khẳng định sự quan tâm, trách nhiệm của Công ty đối với cộng đồng. Và theo nguồn tin chúng tôi nắm được, NuiPhao Mining sẽ còn tiếp tục tổ chức các chương trình, hội thảo nhằm định hướng và mở ra những cơ hội cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án.