Gác đèn biển ở Trường Sa

09:04, 06/01/2012

Đi trên các con thuyền cập đảo Trường Sa từ phía đông nam, ai cũng dễ dàng nhận thấy từ xa hình dáng của ngọn hải đăng vươn cao trên biển với cột đèn sừng sững trên 30 mét.

Đi trên các con thuyền cập đảo Trường Sa từ phía đông nam, ai cũng dễ dàng nhận thấy từ xa hình dáng của ngọn hải đăng vươn cao trên biển với cột đèn sừng sững trên 30 mét. Trong sóng gió mênh mông lúc đêm tối, chớp nháy của đèn là nơi báo hiệu, dẫn hướng cho tàu thuyền an toàn qua lại đảo và vùng biển xung quanh.

 

Anh Ngô Văn Thanh (quê ở Hải Phòng), Trạm trưởng Trạm hải đăng, người đã gắn bó với cây đèn biển từ năm 2000 đến nay cho biết, anh đã từng là người gác đèn ở 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đó là: Đá Tây, Song Tử Tây, An Bang, Đá Lát và hiện nay đang ở đảo Trường Sa lớn. Ngọn hải đăng ở Trường Sa được đưa vào sử dụng từ năm 2009, đây là loại đèn cấp II, sử dụng lăng kính xoay, chu kỳ chớp 10 giây, tầm phát sáng 18 hải lý (gần 33km), ngoài ra trạm còn có hệ thống Racon, phát tín hiệu moóc để liên tục dẫn hướng cho tàu thuyền cả ban ngày và ban đêm. Công việc của người gác đèn biển rất đặc thù, họ phải thay nhau trực liên tục, ban ngày mỗi ca trực từ 6-8 tiếng, ban đêm từ 4-6 tiếng. Vào 17 giờ 30 phút hàng ngày đèn được bật sáng và tắt đi lúc 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Mỗi trạm hải đăng hiện nay chỉ được biên chế 4 cán bộ, nếu có người bị ốm không đi làm được thì gánh nặng công việc dồn cả vào số người còn lại chứ không có ai thay thế. Nhìn bề ngoài ai cũng bảo công việc của trạm rất nhàn, nhưng thực tế các cán bộ ở đây phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ban ngày, anh em ở trạm cắt cử nhau làm công tác vệ sinh chung, vệ sinh đèn chính, đèn phụ, kiểm tra hệ thống pin mặt trời, máy phát điện, hệ thống nạp điện cho ắc quy dùng để thắp sáng đèn trong đêm. Trong mỗi ca trực người gác đèn phải liên tục theo dõi hoạt động của các thiết bị, đảm bảo nguồn điện cung cấp cho đèn, kiểm tra tầm hiệu lực của ánh sáng, quan sát khu vực hàng hải, ghi nhật ký và báo cáo về đơn vị chủ quản là Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải Miền Nam.

 

Tâm sự với chúng tôi, anh Thanh cho biết thêm: Hiện nay, ở quần đảo Trường Sa đã có 7 ngọn hải đăng được đưa vào sử dụng. Những người ra đây công tác đều phải xa gia đình biền biệt hàng năm trời, ai cũng thương nhớ vợ con, thương nhớ đất liền lắm. Công việc thì hàng ngày thì cứ lặp đi, lặp lại nên dễ gây nhàm chán, hơn nữa ở ngoài đảo sóng gió khắc nghiệt, đời sống sinh hoạt khó khăn vô cùng, trèo lên để vệ sinh nhà đèn trong lúc gió mạnh rất nguy hiểm, sơ xảy một cái là mất mạng luôn. Những đèn ở đảo nổi còn đỡ, chứ ở các đảo chìm vất vả hơn rất nhiều. Nhà đèn ở đó chơi vơi giữa biển nước mênh mông, diện tích nhà ở hẹp, anh em chủ yếu là ăn đồ hộp, lương thực, thực phẩm phải đợi thuyền tiếp tế mới có. Thiếu nước ngọt, 3 đến 4 ngày mới dám tắm một lần, mỗi lần tắm phải dè sẻn từng tý nước, vào lúc hạn hán không có mưa để hứng nước dùng, gian khổ lắm…

 

Trong những ngày ở lại đảo Trường Sa, có dịp tiếp cận với nhiều người, tôi nhận thấy hầu như ai ra công tác nơi đảo xa này cũng đều rất rắn rỏi, trong gian khó họ lại càng thương yêu nhau hơn, coi nhau như người thân trong gia đình, tình người, tình đồng chí luôn bền chặt, gắn bó. Đối với các cán bộ, nhân viên Trạm hải đăng Trường Sa, mặc dù phải sống và làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng ai cũng trân trọng nghề mình đã lựa chọn, làm việc hết mình để ngọn hải đăng luôn soi sáng, dẫn hướng cho những con tàu qua lại an toàn và khẳng định chủ quyền biển đảo thân thương của Tổ quốc Việt Nam.