Giao thông tĩnh: Từ thực trạng đến giải pháp

09:45, 09/01/2012

Một thực tế dễ nhận thấy trên các tuyến đường nội thị của T.P Thái Nguyên hiện nay là tình trạng các loại phương tiện giao thông dừng, đỗ tùy tiện trên vỉa hè, lòng đường diễn ra khá phổ biến. Căn nguyên của vấn đề được xác định là hạ tầng giao thông tĩnh của thành phố còn thiếu về số lượng và kém về quy mô.

Nói đến giao thông tĩnh là nói đến các cơ sở hạ tầng phục vụ trạng thái tĩnh của phương tiện giao thông như bến, bãi, điểm đỗ xe, gara… khái niệm này được nhắc đến ngày càng nhiều, nhất là tại những thành phố lớn, bởi nạn ùn tắc, tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự một phần do phương tiện giao thông dừng đỗ chiếm dụng lòng đường, vỉa hè.

 

Thái Nguyên là thành phố có vị thế trung tâm vùng, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo đó là sự phát triển nhanh chóng số lượng các loại phương tiện giao thông. Theo thống kê 5 năm trở lại đây, ở T.P Thái Nguyên, tốc độ tăng trưởng trung bình của các loại phương tiện giao thông vào khoảng 20%/năm. Năm 2005 thành phố có tổng số 2.375 ô tô và 60.376 xe máy thì đến năm 2011 có 7.165 ô tô và 111.581 xe máy, chưa kể xe vãng lai lưu thông trên địa bàn. Do vậy, tổng quỹ đất sử dụng để đỗ xe ước cần khoảng trên 70 ha.

 

Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có 1 bến xe khách liên tỉnh; 2 bãi đổ rửa xe tại phường Đồng Quang và phường Hoàng Văn Thụ; 3 điểm đỗ xe công cộng tại Quảng trường 20-8, trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tại phường Trung Thành và các điểm đỗ xe tự phát, theo đánh giá thì mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu thực tế. Mặt khác, các công trình, đặc biệt là công sở được quy hoạch và xây dựng từ trước hầu hết đều thiếu diện tích để đỗ xe ô tô, những nhà dân tại các trục đường nội thị vì hạn hẹp quỹ đất nên cũng trong tình trạng tương tự.

 

Đường Bến Tượng và đường Phủ Liễn vào mỗi buổi sáng, một đoạn dài cả trăm mét thực sự đã biến thành bãi đỗ xe, vỉa hè và cả lòng đường Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Bắc Kạn… cũng thường xuyên bị xâm phạm. Giải quyết trước mắt tình trạng này, bên cạnh việc tập trung cải thiện hạ tầng giao thông, T.P Thái Nguyên hằng năm đều cấp phép cho các cơ quan có nhu cầu được sử dụng một phần vỉa hè làm điểm đỗ xe, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt những hành vi đỗ xe trái quy định. Trong năm 2011, Đội Quản lý trật tự xây dựng và Giao thông phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố đã thu giữ 330 bộ giấy tờ ô tô, 13 biển đăng ký ô tô vì vi phạm quy định dừng, đỗ. Con số trên chưa thể phản ánh hết số vụ vi phạm, bởi tình trạng này quá phổ biến nên trừ những trường hợp vi phạm điển hình, Đội chủ yếu áp dụng hình thức tuyên truyền, nhắc nhở.

 

Nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và từ yêu cầu cấp thiết để giải quyết tình trạng trên, từ năm 2007, T.P Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai Đề án Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Theo Đề án thì sẽ có một bến xe khách liên tỉnh, một bến xe tải liên tỉnh, tại mỗi đầu mối giao thông khu vực cửa ngõ thành phố sẽ có các bãi đỗ, rửa xe, khu vực công sở, khu đông dân cư sẽ có các điểm đỗ xe được xây dựng. Cùng với đó là việc xây dựng hoàn chỉnh điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt.

 

Quy hoạch đã xong, căn cứ pháp lý đã có, nhưng các nhà đầu tư đa số thể hiện sự “rụt rè” trước lĩnh vực này, bởi lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc triển khai Đề án đã mang lại một số thành quả nhất định như: nhà đầu tư đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng bãi đỗ, rửa xe phường Đồng Quang, phường Hoàng Văn Thụ; xây dựng xong điểm đỗ xe công cộng tại phường Trung Thành và trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; bến xe khách liên tỉnh được quy hoạch tại phường Thịnh Đán, bến xe phía Nam thành phố tại phường Tích Lương cũng đang được các nhà đầu tư triển khai… Công ty cổ phần APEC cũng đang tiến hành khảo sát vị trí và xin cấp phép đầu tư xây dựng 2 bãi đỗ, rửa xe tại khu vực phía Nam thành phố.

 

Cũng nhằm mục đích chống quá tải cho hạ tầng giao thông tĩnh vốn yếu kém hiện nay, UBND T.P Thái Nguyên đã và đang thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, như: không chuyển đổi quỹ đất giao thông sang các mục đích khác; yêu cầu các nhà quy hoạch và chủ đầu tư khu dân cư, công trình xây dựng phải bố trí quỹ đất và đưa vào thiết kế các hạng mục làm chỗ để xe, đồng thời yêu cầu các công sở, trung tâm thương mại, dịch vụ phải tự giải quyết nhu cầu đỗ xe và khuyến khích có dịch vụ đỗ công cộng; hạn chế cấp phép kinh doanh, nhất là dịch vụ ăn uống tại những địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông…

 

Rõ ràng, giao thông tĩnh là vấn đề rất đáng bàn với thực trạng giao thông của T.P Thái Nguyên hiện nay. Mặt khác, có tầm nhìn trong quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng giao thông tĩnh sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chung làm cho thành phố sáng- xanh- sạch- đẹp, văn minh hơn, xứng đáng là đô thị loại I, trung tâm vùng.