Ở huyện Định Hóa, mức hỗ trợ mua phí BHYT lên tới 60% (ngân sách huyện hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT tự nguyện vẫn đạt rất thấp.
Theo quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) từ tháng 1-2010, đối tượng thuộc diện cận nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí mua bảo hiểm, có quyền tự nguyện tham gia, được nhiều ưu đãi hơn so với nhóm đối tượng khác và được ngân sách địa phương hỗ trợ thêm nếu điều kiện cho phép. Ở huyện Định Hóa, mức hỗ trợ mua phí BHYT lên tới 60% (ngân sách huyện hỗ trợ 10%), thế nhưng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT tự nguyện vẫn đạt rất thấp.
Thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Định Hóa cho thấy: Hiện toàn huyện có 6.375 hộ thuộc diện cận nghèo (có mức thu nhập từ 401 đến 520 nghìn đồng/người/tháng), với trên 23 nghìn nhân khẩu (chiếm 25,8% dân số). Trong số này, khoảng 70% là người dân tộc thiểu số, được cấp thẻ BHYT miễn phí, còn lại hơn 7 nghìn người thuộc đối tượng khuyến khích mua BHYT tự nguyện.
Tuy nhiên, đến hết năm 2011, sau 2 năm triển khai Luật BHYT, số người cận nghèo mua BHYT tự nguyện ở huyện Định Hóa chỉ đạt 561 người (bằng 8% số người cận nghèo), đến thời điểm này của năm 2012, số người cận nghèo đăng ký mua của toàn huyện chỉ mới được 36 người. Không tham gia BHYT, nhóm đối tượng này phải chịu nhiều thiệt thòi bởi trong số các tiêu chí xác định đối tượng cận nghèo có tính cả các gia đình có người hay ốm đau, bệnh tật thường xuyên, chỉ cần gặp rủi ro phải đi bệnh viện là các đối tượng này có thể trở thành người nghèo.
Theo ông Vũ Khánh Toàn, Phó giám đốc Chi nhánh Bảo hiểm xã hội huyện Định Hóa: Nguyên nhân của tình trạng này là mức sống của người dân trên địa bàn còn thấp. Mặc dù đã được hỗ trợ tới 60% kinh phí nhưng người mua bảo hiểm vẫn phải đóng gần 250 nghìn đồng mỗi năm (bằng hơn nửa mức thu nhập một tháng). Đây là số tiền lớn với nhiều gia đình ở nông thôn, miền núi; phần lớn người dân vẫn chưa nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của BHYT là để bảo vệ, phòng tránh rủi ro cho họ trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có một nhóm nhỏ các đối tượng bị bệnh tật thường xuyên hoặc gặp rủi ra là muốn tham gia BHYT để được hưởng lợi ích ngay. Thậm chí, một số người dân còn mong muốn được trở lại thành người nghèo để được hưởng các chính sách đãi ngộ của Nhà nước, trong đó có việc cấp miễn phí thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, mức chi trả khi đi bệnh viện của người nghèo và dân tộc thiểu số là 95%, cao hơn đối tượng cận nghèo 15% nên đa số người dân nảy sinh tâm lý so sánh, từ đó không muốn tham gia. Thời gian qua, chi nhánh Bảo hiểm xã hội huyện Định Hóa đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin và Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BHYT tự nguyện nhưng chưa được thường xuyên, rộng khắp nên hiệu quả chưa cao.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân nữa khiến các hộ cận nghèo không mặn mà tham gia BHYT xuất phát từ chính các dịch vụ khám chữa bệnh của ngành Y tế. Ông Ma Công Bầu, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc, là đối tượng cận nghèo từng đi khám bệnh bằng thẻ BHYT chia sẻ: Tại một số cơ sở y tế việc thanh toán bằng thẻ BHYT còn chậm, thủ tục phức tạp. Phần lớn các đơn thuốc trong danh mục BHYT không đủ, chỉ giới hạn ở một số loại thuốc bổ hoặc thuốc rẻ tiền nên người bệnh phải mua tại các hiệu thuốc tư nhân với giá cao. Cũng theo ông Bầu, đối với các trường hợp phải điều trị bệnh mãn tính dài ngày hoặc bệnh nặng phải chi phí lớn như chạy thận nhân tạo, ung thư, tiểu đường... thì số tiền người cận nghèo phải chi trả vẫn quá sức đối với họ.
Để nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT, đặc biệt là diện cận nghèo - nhóm đối tượng gần nhất với người nghèo, cần gỡ bỏ những “rào cản” người dân tiếp cận BHYT. Theo chúng tôi, giải pháp trọng tâm cần thực hiện là tăng cường các biện pháp tuyên tới người dân để họ hiểu được vai trò và quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Việc phối hợp tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và trực tiếp, trong đó cán bộ ngành bảo xuống cơ sở để giải thích, trả lời những thắc mắc của người dân. Việc hỗ trợ 10% kinh phí đã là một nỗ lực lớn của huyện Định Hóa, địa phương cũng cần tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, coi việc thực hiện BHYT là một trong điều kiện đảm bảo để các đối tượng cận nghèo có thể thoát nghèo bền vững.