Có nên phí công vì... phí?

11:28, 27/03/2012

Cho đến thời điểm này, việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân mới chỉ là đề xuất của Bộ GTVT. Song, đây có lẽ là một đề xuất gây phản ứng xã hội nhiều và bền bỉ nhất từ trước đến nay.

Những đề xuất chính sách xưa nay, ở bất cứ xã hội nào, bao giờ cũng được hình thành trên nguyên tắc phục vụ lợi ích của số đông, và bao giờ cũng có một nhóm nhỏ trong xã hội phải chấp nhận hy sinh lợi ích của mình. Nhưng việc thu phí hạn chế phương tiện dường như không được hình thành trên nguyên tắc đó.

 

Bộ GTVT cho biết, sẽ có khoảng 600.000 ô tô phải chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân. Như vậy, sẽ có khoảng nửa triệu người phải chịu tác động trực tiếp, và chừng vài chục triệu ước mơ sở hữu phương tiện bị “bắn rụng” vì đề xuất này. Đó không phải số ít. Và khi lợi ích của số đông bị đe dọa, việc xem xét lại mục đích và hiệu quả của việc thu phí cần được thực hiện.

 
 

Thu phí hạn chế phương tiện cá nhân liệu có hạn chế được phương tiện cá nhân? Câu trả lời là có, nếu như đa số người dân chỉ sử dụng phương tiện cá nhân nhằm mục đích khoe mẽ, chạy rông, hoặc để được báo chí đưa tin khi tổ chức đám cưới. Yếu tố này thực sự tồn tại, song chỉ là cá biệt. Đất nước chưa có nhiều đại gia đến thế. Phần lớn người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân để phục vụ nhu cầu đi lại, mưu sinh vì không thể khác được. Do đó, về bản chất, không thể hạn chế được nhu cầu của người dân khi đó là sự thiết yếu.

 

Trên thực tế, bản thân thuế tiêu thụ đặc biệt đã từng khiến người dân than thở vì phải bỏ ra một số tiền gấp nhiều lần so với người dân các quốc gia khác để có thể sở hữu một chiếc xe. Tuy nhiên, vì nhu cầu, vì xu thế, người dân vẫn phải nghiến răng để đầu tư sở hữu những chiếc xe của riêng mình. Cái xe, đối với rất nhiều người Việt Nam hiện nay, là cả một gia tài. Khi đã cố gắng để mua, họ sẽ không thể bỏ nó đi vì mấy chục triệu tiền phí. Bởi vậy, họ sẽ phải tìm cách bù đắp chi phí. Số lượng phương tiện sẽ không vì chịu thêm phí mà giảm đi, thay vào đó là mặt bằng giá cả sẽ tăng lên để tương ứng với chi phí phát sinh vì khoản phí cho những chiếc xe.

 

Việc thực hiện thu phí hạn chế phương tiện có khả thi? Đề xuất này đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Nhu cầu hạn chế phương tiện cá nhân không đồng đều với mọi vùng miền, địa phương khác nhau, nên không thể áp dụng chung cho mọi vùng miền, địa phương. Song, nếu mức phí không thống nhất giữa các vùng miền, tình trạng lách phí sẽ nảy sinh khiến các cơ quan chức năng phải thực hiện đồng loạt nhiều động tác kỹ thuật khác nhau. Sự phức tạp này sẽ tạo ra một bộ máy cồng kềnh để thực hiện chính sách, và đồng tiền thu được sẽ rơi rụng một khoản đáng kể trước khi được dùng để thực hiện những dịch vụ, hạ tầng phục vụ người đóng phí.

 

Xét về mặt mục đích và tính khả thi, đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân đều tỏ ra bất ổn.

 

Để bảo vệ đề xuất này, một quan chức than rằng: Nếu không thu phí cao, chẳng mấy chốc Hà Nội sẽ không còn chỗ đỗ xe. Nguy cơ quá tải là có thật. Song, phí đánh vào người sử dụng phương tiện không phải cách duy nhất để hạn chế phương tiện. Đặc biệt khi nó quá phức tạp để áp dụng, và thiếu sự đồng thuận của nhân dân.

 

Để hạn chế phương tiện cá nhân, có không ít cách thức đơn giản, vừa ít thao tác kỹ thuật, vừa đảm bảo tính công bằng như khống chế số lượng xe đăng ký mới, khống chế lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ, khống chế thời gian di chuyển theo khu vực… Những biện pháp đó chắc chắn sẽ dễ dàng đạt đến sự đồng thuận hơn so với phương án tận thu bằng phí. 

 

Trở lại với đề xuất thu phí hạn chế phương tiện mà trong đó xe của các cơ quan hành chính, đơn vị công lập, công an, quân đội, ngoại giao… sẽ không bị áp dụng. Sự ưu tiên này liệu có bất hợp lý khi không phải chịu khoản phí này thì thước đo hiệu quả, năng lực của các cơ quan trên có bị xô lệch đối với tương quan chung của xã hội? Các chính sách thuế, phí, nếu như không có được sự công bằng tương đối, đặc biệt là có những sự thiên lệch theo hướng ưu tiên lợi ích của các cơ quan thực thi chính sách, hẳn sẽ tác động không nhỏ đến quá trình ban hành chính sách. Khi đó, lợi ích của dân chúng sẽ dễ bị bỏ qua./.

 

 

Chủ ô tô hiện phải nộp 8 loại thuế và phí gồm:

- Thuế nhập khẩu ôtô

- Thuế tiêu thụ đặc biệt

- Thuế VAT

- Phí trước bạ

- Phí đăng ký cấp biển số

- Phí xăng dầu

- Phí kiểm định

- Phí bảo hiểm.

Thời gian tới sẽ phải nộp:

- Phí bảo vệ môi trường

- Phí bảo trì đường bộ