Mỗi thanh niên một việc làm tốt

08:26, 26/03/2012

Nói về hoạt động tham gia hưởng ứng của tuổi trẻ trong Tháng Thanh niên, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Bí thư Huyện đoàn Phú Bình cho biết: Ban Thường vụ Huyện đoàn đã giao chỉ tiêu, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phát huy mọi khả năng cống hiến của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) với phương châm “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Tháng Thanh niên năm nay được phát động trong hoàn cảnh dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số xã của huyện Phú Bình. Ban Thường vụ Huyện đoàn đã lập kế hoạch chỉ đạo các ĐVTN toàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các đội thanh niên tình nguyện tham gia giúp nhân dân phun thuốc tiêu độc, khử trùng để dập dịch. Nhất là ở các địa bàn có dịch như xã Thanh Ninh và một số nơi chịu ảnh hưởng như thị trấn Hương Sơn, xã Xuân Phương, Kha Sơn… Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc khống chế và dập dịch. Và đến ngày 9-3, UBND tỉnh đã có quyết định công bố Phú Bình ra khỏi vùng dịch.

 

Bám sát chủ đề Tháng Thanh niên và chủ trương lâu dài của huyện, tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới, tuổi trẻ Phú Bình xác định, việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, đăng ký đảm nhận các tuyến đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng là việc làm mang ý nghĩa thiết thực. Các cấp bộ đoàn đã xây dựng kế hoạch và nhận tu sửa 21 tuyến đường giao thông với sự tham gia của trên 500 ĐVTN (gần 1.000 ngày công lao động), góp phần tạo nên một diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn trên toàn huyện. Trong đó, tập trung ở 4 xã điểm về xây dựng nông thôn mới là Lương Phú, Nhã Lộng, Kha Sơn và Đồng Liên. Cũng trong Tháng Thanh niên, tuổi trẻ Phú Bình đã đóng góp trên 1.000 ngày công lao động để trồng 3.500 cây keo lai; tổ chức 10 đợt ra quân thu gom rác thải tại các nơi công cộng, nạo vét được 4,7km kênh mương nội đồng trên địa bàn toàn huyện. Riêng tại xã Xuân Phương, hơn 200 ĐVTN đã ra quân trồng bổ sung trên 200 gốc tre bên lưu vực sông Cầu để phòng, chống sạt lở, bảo vệ dòng sông quê hương, bảo vệ môi trường. Được biết, vừa qua, tuổi trẻ Phú Bình đã khảo sát để xây dựng 1km đường liên thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới tại xã Lương Phú. Dự kiến đoạn đường trên sẽ được triển khai ở xóm Lương Tạ trong tháng 4 tới.

 

Không chỉ dừng lại ở những việc làm, hành động mang tính phong trào, tập thể trong Tháng Thanh niên mà tuổi trẻ Phú Bình tham gia xây dựng nông thôn mới bằng việc xây dựng, phát triển mô hình kinh tế giải quyết việc làm cho những ĐVTN khác. Một trong những thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm là anh Anh Dương Quang Toàn (xóm Tân Yên, xã Tân Thành) với quyết tâm làm giàu chính đáng từ nghề trồng rừng. Hiện, anh có 2,5 ha rừng keo (trị giá khoảng 80 triệu đồng/ha), một xe ô tô để vận chuyển và 1 xưởng xẻ gỗ (được xây dựng từ đầu năm 2011) để chế biến gỗ và bán ra thị trường. Không chỉ lo đầu ra cho việc trồng rừng của bà con trong vùng mà anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trung bình 2,4 triệu đồng/người/tháng, chưa kể lao động thời vụ.

 

Còn đối với anh Nguyễn Phong Đoan (xóm Đồng Vạn, xã Đồng Liên) sau khi đi làm thuê nhiều nơi, đến năm 2010 đã quyết định trở về lập nghiệp tại quê hương. Sau một thời gian tìm hiểu kết hợp với học nghề, anh đã quyết định đầu tư vào việc kinh doanh gas, mở dịch vụ cho thuê áo cưới và chụp ảnh. Đến nay, cơ sở của anh đã gần như hoàn thiện và đi vào hoạt động. Anh cho biết: Sau khi cơ sở đi vào hoạt động sẽ thu hút được khoảng 7 lao động tại địa phương. Khi anh Đoan khởi nghiệp đã được vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn.

 

Có thể nói, những  việc làm mà tuổi trẻ Phú Bình thực sự đã để lại dấu ấn sâu sắc, thể hiện đúng chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Như đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã phát biểu trong lễ phát động Tháng Thanh niên: “ĐVTN cần thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với đại hội bằng những hành động cụ thể trong học tập, lao động, sản xuất trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp bộ Đoàn nên tổ chức các phong trào hoạt động mang tính xung kích, đột phá, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của thanh thiếu niên, làm sao để mỗi ĐVTN vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là khách thể năng động của các phong trào, tạo ra những công trình, việc làm thanh niên có dấu ấn mạnh mẽ đối với xã hội, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…”.