Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người Mông cải thiện cuộc sống, song, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào người Mông còn rất cao.
Nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về trình độ sản xuất, có thu nhập ổn định cho đồng bào người Mông, tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2012-2015.
Theo phương án này, các hộ nghèo dân tộc Mông sẽ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhu cầu cần thiết như: làm nhà ở mới, sửa chữa nhà ở; xây dựng nhà vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi, mua giống bò, lợn; cải tạo đất sản xuất, hỗ trợ công cụ sản xuất. Ngoài ra sẽ hỗ trợ kinh phí để phát triển cộng đồng như: đầu tư xây dựng điện lưới Quốc gia, thủy lợi nhỏ, sửa chữa cải tạo giao thông vào xóm, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ bảo tồn văn hóa truyền thống…
Phấn đấu đến hết năm 2015, các xóm có từ 60% hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống có đường ô tô đến trung tâm, được sử dụng điện thắp sáng, có công trình thủy lợi; 100% hộ nghèo được hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật; phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào từ 5% trở lên. Chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy, du canh, du cư tự do.
Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đã và đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể để lồng ghép với các nguồn vốn khác nhằm ưu tiên thực hiện phương án nhằm góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực thông qua triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật; phòng chống tệ nạn xã hội và bảo vệ môi trường cho đồng bào người Mông.