Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 446 người mắc, 198 người phải đi viện điều trị. Tuy không có trường hợp nào tử vong nhưng tình trạng trên cho thấy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải được quan tâm sâu sắc, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Lướt một vòng quanh T.P Thái Nguyên, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy, các quán ăn, cửa hàng kinh doanh thực phẩm đồ ăn chín, quán nhậu phát triển nhanh với số lượng đông hơn năm trước. Tại các chợ, thực phẩm được chế biến để ăn ngay (hay còn gọi là thức ăn sẵn) rất đa dạng được bày bán gồm: giò, chả, nem tai, nem thính, chân giò luộc, vịt quay, cá kho, thịt áp chảo… được bày bán ở nhiều quán ăn, quầy hàng. Người mua khá đông, tuy nhiên họ mới chỉ nhìn thấy cái tiện lợi trước mắt mà chưa lường hết được những ẩn họa từ loại thức ăn này.
Có dịp vào quan sát tại chợ Thái, nơi đầu mối buôn bán nhiều loại hàng hóa, thực phẩm của tỉnh và thành phố, quầy bán thức ăn chế biến sẵn nằm dưới tầng trệt của chợ. Hầu như các món người dân sử dụng trong bữa ăn hàng ngày đều có.
Tuy nhiên, các quầy hàng ở đây đều không có tủ kính để bảo quản thức ăn, đồ bao gói thức ăn chỉ là những túi ni lông bình thường, không có loại dùng riêng để bao gói thực phẩm. Ngay bên cạnh là hàng bán các loại rau, củ quả; cách nơi bán thức ăn chế biến sẵn chưa đầy 10m là nơi bán thực phẩm tươi sống (thịt lợn, gà, hải sản…). Do các quầy hàng ở gần nhau, nơi bán thức ăn chín lại không có tủ kính để bảo quản thức ăn, ai dám chắc rằng, những chú ruồi, nhặng từ nơi bán thực phẩm tươi sống và nền chợ bẩn thỉu, nhớp nháp không “viếng thăm” những dãy hàng thức ăn chín và gieo vào đó những mầm bệnh nguy hiểm.
Thạc sĩ Lý Văn Cảnh, Giám đốc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận rất thấp, mới chỉ đạt tỷ lệ 27,5% (2.208/8.024 cơ sở thực phẩm trên toàn tỉnh). Nguyên nhân là do hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh, không đạt đủ các điều kiện bắt buộc về ATVSTP.
Điều lo lắng nhất hiện nay đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn chế biến sẵn đó chính là lương tâm, ý thức trong kinh doanh của các chủ cơ sở. Một số người, mặc dù đã được tập huấn, có kiến thức, hiểu biết các quy định về ATVSTP nhưng khi thực hành thì lại trái ngược, rất có thể vì lợi nhuận, họ sẽ cho sử dụng thực phẩm ôi thiu, thực phẩm không rõ nguồn gốc; sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
Với thức ăn chín, đây là loại thức ăn chế biến để dùng trong ngày, nếu không bán hết, liệu người bán hàng có hủy số thức ăn đó không hay lại để bày bán vào ngày hôm sau, điều này chỉ có lương tâm của người bán hàng mới quyết định được. Nếu thức ăn bảo quản không đúng yêu cầu VSATTP thì sẽ xảy ra nhiều mối nguy, trong đó có: đạm biến chất, mỡ biến chất, chất bột biến chất; thực phẩm chế biến nhiều giờ trước khi ăn cũng sẽ gây ra ô nhiễm thứ cấp.
Thiết nghĩ, để đảm bảo sức khỏe, người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn đã chế biến sẵn, không sử dụng các thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc được bày bán ở nơi không đảm bảo ATVSTP. Bên cạnh đó, thực hiện theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm) có hiệu lực thi hành từ ngày 11/6/2012, các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn của 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chủ động thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và hướng dẫn người kinh doanh thực hiện đúng các quy định về VSATTP, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Quy định của Bộ Y tế về điều kiện VSATTP
đối với cửa hàng bán thức ăn chín - Thức ăn được bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của các côn trùng, động vật khác. Không được bán thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.- Nhân viên bán hàng phải được khám sức khỏe, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và có thực hành tốt vệ sinh cá nhân. - Tuyệt đối không dùng phụ gia, phẩm mầu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. - Có dụng cụ gắp, xúc thức ăn để bán cho khách. - Đồ bao gói thức ăn phải sạch, chỉ dùng các loại chuyên dùng cho thực phẩm.
|